Sáng nay 29-3, tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, một trận mưa đá lớn trên diện rộng đã diễn ra ở xã Tà Hừa, khiến người dân hết sức ngỡ ngàng. Chị Bích Thủy ở xã Tà Hừa cho biết mưa đá to rơi đã khiến nhiều nhà bị thủng mái tôn, mưa đá rơi trắng xóa nhiều tuyến đường trong xã.
Tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cũng trong sáng 29-3, mưa lớn kèm giông lốc đã khiến 9 nhà dân bị tốc mái, trong đó 5 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Đặc biệt, tại thôn Ngải Trồ, Lao Chải và trung tâm xã Y Tý đã xuất hiện mưa đá. Trận mưa đá kéo dài khoảng 5 phút, bắt đầu lúc 5 giờ 35 phút, đường kính trung bình của hạt đá từ 1-1,5 cm.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, trận mưa đá kéo dài chiều tối ngày 28-3 đã khiến 1.291 ngôi nhà tại các xã Bạch Đích, Phú Lũng, Thắng Mố, Sủng Cháng, Sủng Thài, Hữu Vinh (Yên Minh) và một số xã tại Mèo Vạc bị hư hỏng mái. Dông, lốc cũng làm tốc mái Trường THCS Xín Cái (Vèo Vạc) và trên 20 ngôi nhà tại xã Lũng Cú, Phố Cáo (Đồng Văn) và Xín Cái, Khâu Vai (Mèo Vạc).
Trên 273 ha ngô, hoa màu bị thiệt hại do mưa đá, trong đó trên 243 ha tại huyện Yên Minh và 30 ha tại Mèo Vạc; hư hỏng 69 chuồng trại chăn nuôi.
Sáng 28-3, một trận mưa đá dày đặc tại thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Chiều cùng ngày, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng xảy ra hai đợt mưa đá kèm theo gió mạnh, gây ảnh hưởng tới nhiều diện tích hoa màu của nhân dân.
Chính quyền các huyện đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa nhà cửa, di chuyển đồ đạc, ổn định cuộc sống.
Mưa đá đi kèm với mưa rào và dông mạnh đã gây nhiều thiệt hại cho hoa màu, nhất là cây ăn quả các loại của người dân địa phương; nhiều tuyến đường giao thông tại các xã Mường Hum, Phìn Ngan và Thị Trấn Bát Xát cây đổ làm ảnh hưởng đến giao thông và hệ thống dây điện.
Như vậy, trong 2 ngày qua, nhiều nơi ở các tỉnh miền Bắc, nhất là khu vực miền núi liên tiếp xảy ra mưa đá, giông lốc, mưa lớn kèm gió giật mạnh gây thiệt hại nhà cửa, hoa màu, các công trình dân sinh,…
Lý giải hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết các tỉnh vùng núi phía Bắc nói riêng và Bắc Bộ nói chung đang trải qua thời kỳ chuyển mùa, từ trạng thái mùa Xuân sang mùa Hè. Trong quá trình đó, các tỉnh miền Bắc sẽ xảy ra hiện tượng giông, lốc, mưa đá thường xuyên hơn, tập trung từ tháng 3-5, cao điểm vào tháng 4-2024.
Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này là do không khí lạnh yếu từ phía Bắc tràn xuống trên nền nhiệt độ tương đối cao ở Bắc Bộ, tạo điều kiện cho các khối khí xáo trộn mạnh; từ đó những đám mây đối lưu phát triển, gây ra những trận mưa giông kèm theo sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Bình luận (0)