Hôm qua, 18-2 (tức mùng 9 tháng giêng năm Giáp Thìn), tại Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức lễ dâng hương, khai xuân với nhiều nghi thức truyền thống như: lễ rước, dâng hương, tế lễ và nhiều hoạt động văn hóa dân gian.
Không bạo lực, giảm "chặt chém"
Lễ dâng hương mang ý nghĩa hướng về cội nguồn tiên tổ, tri ân công đức các bậc tiên đế, các đức vua anh minh, các bậc hiền tài có công với nước, đồng thời tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Từ mùng 2 Tết đến nay, khu di sản này đã đón trên 70.000 khách tham quan, trải nghiệm. Tình trạng thương mại hóa đã không diễn ra.
Từ khi khai hội vào mùng 6 tháng giêng (15-2), mỗi ngày chùa Hương đón hàng vạn khách đến lễ chùa bái Phật. Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử, nâng cao chất lượng quản lý đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông.
Năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương quyết định thành lập Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương, đò được xếp lịch cách nhật, một nửa xã viên làm việc ngày chẵn và một nửa còn lại làm ngày lẻ. Nhờ vậy, không còn hiện tượng chèo kéo khách, giá các dịch vụ được niêm yết công khai, giảm thiểu hiện tượng "chặt chém".
Lễ hội Gióng đền Sóc là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội và cả nước, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010. Những năm trước đây, lễ hội quan trọng này bị phản ánh bạo lực trong tục cướp giỏ hoa tre, nhưng năm nay đã diễn ra trang nghiêm, trật tự với các nghi lễ truyền thống.
Ông Tống Giang Phúc - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội - cho biết trước mùa lễ hội năm nay, Ban Tổ chức đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân và du khách, thực hiện đúng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Bên cạnh đó, chuẩn bị không gian đủ rộng để các thôn, xã thực hiện nghi lễ trang nghiêm. Ban tổ chức cũng bố trí điểm tán lộc tại cung Cấm đền Thượng, tạo điều kiện cho du khách xin cành hoa tre, lộc trầu cau… nên không có chuyện tranh cướp lộc.
Lễ khai hội Phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương xuân Giáp Thìn cũng đã diễn ra trong an toàn vào tối mùng 8 Tết (17-2) tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức phát lương Đức Thánh Trần, bắt đầu từ 21 giờ ngày 14 đến rạng sáng 15 tháng giêng.
Chấn chỉnh nhiều bất cập
Nhận định ban đầu về hoạt động quản lý lễ hội đầu xuân 2024, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho rằng với sự chỉ đạo chung của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, mùa lễ hội đến nay diễn ra bình yên. Bộ VH-TT-DL và Cục Văn hóa cơ sở cũng đã ban hành nhiều văn bản đến các địa phương.
Qua tổng hợp cho thấy công tác quản lý lễ hội năm nay đổi mới hơn so với mọi năm. Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra các phương án trọng tâm, trọng điểm, có dự báo đối với hoạt động lễ hội tại địa phương.
Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch xuyên suốt, tổng thể cho các hoạt động lễ hội chung. Từ đó, chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng kịch bản, kế hoạch, đưa ra nhiều phương án khả thi cho hoạt động lễ hội.
"Có thể thấy quy mô và thời gian các lễ hội truyền thống năm nay mở rộng hơn. Như tại Hà Nội, Lễ hội Gò Đống Đa năm đầu tiên được tổ chức kéo dài 3 ngày. Lễ hội đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh lần đầu tiên tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Để đáp ứng lượng khách đột biến dịp đầu xuân, công tác bảo đảm an toàn trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được các địa phương hết sức quan tâm" - bà Ninh Thị Thu Hương cho biết.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá hoạt động lễ hội vốn có nhiều bất cập trước đây nay đã được chấn chỉnh, các địa phương vào cuộc tích cực. Mùa lễ hội còn kéo dài, vì vậy, trong thời gian tới, các cục, vụ chức năng của Bộ VH-TT-DL sẽ tập trung chấn chỉnh, quản lý lễ hội, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, không để xảy ra sai phạm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giao Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản Văn hóa có các giải pháp kịp thời, bám sát cơ sở để chủ động nắm bắt tình hình, thực trạng các lễ hội; nếu có bất cập, vấn đề nảy sinh thì nhanh chóng báo cáo lãnh đạo bộ để chấn chỉnh.
Người đứng đầu ngành VH-TT-DL cũng bày tỏ hy vọng từ các chỉ thị, công văn chỉ đạo, từ các đề án mẫu mà bộ đã thiết kế, triển khai, các địa phương sẽ đồng hành với Bộ VH-TT-DL và phân cấp quản lý, để từng tỉnh, thành chịu trách nhiệm với các lễ hội do mình tổ chức. Với sự vào cuộc tích cực của địa phương, các lễ hội được kỳ vọng sẽ diễn ra văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.
Bình luận (0)