Thông tin trên được nêu ra tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử (TMĐT) của Bộ Công Thương.
Cơ quan soạn thảo cho rằng Luật TMĐT cần có quy định về xây dựng, phát triển TMĐT.
Hiện nay, các quy định tại Nghị định 52 và Nghị định 85 đã đưa ra các khung pháp lý cơ bản về hoạt động và các mô hình hoạt động của TMĐT.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của TMĐT, các quy định hiện hành cần được điều chỉnh theo hướng TMĐT phát triển bền vững để duy trì sự phát triển lâu dài.
Kết quả điều tra, khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố năm 2024 cho thấy sự phát triển nhanh chóng của ngành TMĐT Việt Nam kéo theo nhiều vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải từ đóng gói, hoàn thiện đơn hàng và giao đồ ăn trực tuyến.
Nếu không có giải pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, dự báo rằng đến năm 2030, khi quy mô thị TMĐT đạt 100 tỉ USD, lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này có thể lên tới 800.000 tấn.
Trong năm qua, thị trường mua sắm trực tuyến và giao đồ ăn tại Việt Nam đã đạt quy mô lần lượt 22 tỉ USD và 1 tỉ USD, thải ra khoảng 160.000 tấm bìa carton và 171.000 tấn nhựa, chủ yếu là loại nhựa dùng một lần, theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).
Riêng ngành TMĐT đã thải ra hơn 7.600 tấn nhựa để bán ra 1 tỉ USD, trong khi giao đồ ăn thải gần 18.600 tấn nhựa.
Từ thực tiễn nêu trên cho thấy TMĐT đang đối mặt với vấn đề gia tăng đáng kể lượng rác thải từ bao bì đóng gói và vận chuyển, gây áp lực lớn lên môi trường.
Cùng với đó, các tiêu chuẩn xanh và trách nhiệm phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu phổ biến trong hoạt động TMĐT toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích hợp các giải pháp giảm phát thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và xây dựng chuỗi cung ứng xanh.
Vì vậy, việc xây dựng chính sách TMĐT giai đoạn tới cần nhấn mạnh vào phát triển hạ tầng TMĐT thân thiện với môi trường, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và tăng cường nhận thức người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững.
Những bước đi này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao tính cạnh tranh của TMĐT Việt Nam, góp phần tạo nên một nền kinh tế số phát triển bền vững.
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng cần bổ sung, hoàn thiện chính sách của về phát triển TMĐT theo hướng xanh và bền vững; Tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng TMĐT trong hoạt động.
Nhà nước cần bố trí các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để tham gia thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững. Cùng với đó, doanh nghiệp cần đầu tư thêm vào công nghệ và đổi mới quy trình kinh doanh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới, đặc biệt là TMĐT xanh.
Đối với người dân, giá cả sản phẩm có thể tăng do chi phí áp dụng các tiêu chuẩn môi trường và cải thiện hạ tầng.
Bình luận (0)