Mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự, Cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia (AC5), lực lượng cảnh sát các nước Philippines, Campuchia... bắt giữ 56 đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.
Sập bẫy và mất trắng
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, để thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm này lập các tài khoản Facebook ảo, giả danh doanh nhân thành đạt, khoe hình ảnh giàu có để tạo lòng tin với "con mồi".
Sau khi làm quen, các đối tượng dụ dỗ bị hại tải ứng dụng "UNISAT", tham gia đầu tư đồng tiền điện tử Bitcoin với mức tối thiểu 8 triệu đồng để hưởng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Khi đầu tư số tiền lớn hơn, kẻ xấu viện lý do lỗi hệ thống, tiền thuế, phí bảo hiểm… để yêu cầu bị hại nộp thêm tiền, sau đó chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố 50 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok.
Liên quan đến tiền ảo, trong thời gian qua, tình trạng lừa đảo với hình thức này nở rộ khiến nhiều người dân đã bị lừa với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Điển hình, hồi giữa tháng 12-2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận phát đi thông tin về việc đã tiếp nhận đơn trình báo của một công dân về việc bị chiếm đoạt hơn 12 tỉ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo. Theo trình bày của nạn nhân, khoảng đầu năm 2024, một tài khoản Facebook mạo danh tên là Đinh Thái Châu kết bạn với bị hại và dụ dỗ tham gia đầu tư tiền ảo thông qua sàn Coinbase. Đầu tiên, các đối tượng chuyển hướng cho bị hại liên lạc qua ứng dụng Telegram để tránh bị truy vết thông tin, rồi dùng lời lẽ "có cánh" như lợi nhuận cao, an toàn, làm giàu nhanh chóng… để bị hại cả tin, bỏ tiền tham gia đầu tư theo yêu cầu và hướng dẫn của kẻ xấu. Sau đó, tài khoản Đinh Thái Châu dụ dỗ bị hại cài đặt thêm đường link: http://tradedefi.link/#/home vào ví điện tử Coinbase Wallet để bổ sung một số chức năng đầu tư tiền ảo, như hợp đồng đầu tư AI lượng tử, khoản vay, nạp tiền, rút tiền… Bị hại đã bị dụ dỗ tham gia vào hoạt động vay tiền ảo để đầu tư lấy lãi. Đến khi muốn rút tiền thì bị phía sàn giao dịch Coinbase đưa ra lý do "nộp tiền thuế theo quy định của pháp luật Mỹ" để tiếp tục lừa đảo và cuối cùng tiền vẫn không rút ra được. Tổng cộng, bị hại đã bị chiếm đoạt hơn 12,5 tỉ đồng.
Cũng trong tháng 12, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) phát cảnh báo liên quan vụ việc một phụ nữ tên T. ở Hà Nội trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo đầu tư tiền ảo, bị chiếm đoạt số tiền 9,4 tỉ đồng. Thông qua mạng xã hội, bà T. kết bạn với tài khoản có tên "Nguyễn Thị Thùy Dung". Sau một thời gian, người này mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo. Với lời quảng cáo hấp dẫn, bà T. đã làm theo, tạo tài khoản và chuyển số tiền 5 tỉ đồng để tham gia đầu tư. Sau một thời gian, số tiền lãi hiển thị là 350.000 USD (tương đương 9 tỉ đồng). Khi bà T. muốn rút số tiền lãi trên, đối tượng lừa đảo yêu cầu trong vòng 5 giờ, bà phải đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản (tương ứng 1,8 tỉ đồng). Đồng thời, kẻ gian cũng yêu cầu bà đóng 15% tiền mua bảo hiểm tiền gửi (tương ứng 1,6 tỉ đồng) và nộp tiếp 3% (tương ứng 360 triệu đồng) tiền phí để chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân. Sau đó, bà T. tiếp tục nộp thêm 1,2 tỉ đồng nhưng vẫn không rút được tiền ra.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin và làm nhiệm vụ TikTok vừa bị Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp bắt giữ (Ảnh do Công an tỉnh Hà Tĩnh cung cấp)
Đề cao cảnh giác
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam (VNCERT), cho biết hình thức lừa đảo đầu tư tiền ảo diễn ra từ lâu, dù đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bị lừa hàng tỉ đồng là do các đối tượng xấu đánh đúng vào lòng tham, đó là chỉ cần bỏ vốn ít nhưng thu lãi cao. Khi người dân chấp nhận cuộc chơi, lúc này họ đã rơi vào "ma trận" được dựng bởi những kịch bản lừa chuyên nghiệp, chỉ đến khi mất sạch tài sản thì nạn nhân mới biết bị lừa.
Theo ông Nguyên, người dân phải cảnh giác cao độ trước lời chào mời đầu tư, giao dịch tiền ảo với lợi nhuận cao; không tạo cơ hội để đối tượng xấu tiếp cận như kết bạn Zalo, Facebook hay nhắn tin qua điện thoại, Telegram… Đồng thời, tuyệt đối không nhấp vào đường link lạ, email không rõ nguồn gốc vì nguy cơ cao có chứa mã độc, chúng sẽ đánh cắp dữ liệu cá nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Người bị lừa cần chủ động báo cáo gấp đến cơ quan công an nhằm có hướng giải quyết kịp thời và để họ có cơ sở phối hợp ngăn chặn trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo, giúp những người dân khác không bị rơi vào tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, nếu cảm thấy vừa gặp cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên phản ánh đến tổng đài 156 của Bộ TT-TT để có biện pháp xử lý. "Người dân không tham gia vào đầu tư tiền ảo vì đồng tiền này chưa được pháp luật công nhận, điều này sẽ là tấm khiên vững chắc để bảo vệ mình" - ông Nguyên khuyến cáo.
Ông Lê Hồng Đức, nhà sáng lập Công ty OneAds Digital, cho hay điểm chung của các nạn nhân trên đó là bị hấp dẫn bởi khoản lợi nhuận "khủng" nhưng không biết rằng phía sau đang trải thảm để đưa họ xuống hố. Những khoản lãi thể hiện trên màn hình chỉ là con số vô nghĩa, không giá trị vì không thể rút được. "Nếu mù quáng tin lời và nộp phí, bị hại sẽ càng mất thêm tiền. Do đó, không nên vì lợi ảo mà đầu tư vào những lĩnh vực mình không am hiểu... Cần cập nhật tin tức về cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng thường xuyên để phòng tránh rủi ro. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị lừa trên không gian mạng nên không được chủ quan" - ông Đức khuyến cáo.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo tinh vi, đặc biệt là qua mạng xã hội và các sàn đầu tư tài chính trực tuyến không rõ nguồn gốc. Hãy thận trọng khi giao dịch và xác minh kỹ thông tin để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tương tự.
Người Việt bị lừa gần 19.000 tỉ đồng qua mạng
Theo khảo sát an ninh mạng năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, chiếm 0,45%. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 18.900 tỉ đồng. Trong khi đó, số nạn nhân có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Một trong 3 hình thức lừa đảo phổ biến nhất năm 2024 gồm dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao. Theo kết quả khảo sát, gần 71% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao.
Xử lý triệt để website lừa đảo
Theo ông Lê Hồng Đức, cần cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan như Bộ TT-TT và Bộ Công an hoặc đưa về một đầu mối để cơ quan chức năng có thể chủ động nhanh chóng loại bỏ website, ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo, thông qua những phản ánh có căn cứ, điều tra nhằm bảo vệ người dân tốt nhất. "Nên có thời gian tối đa xử lý website, ứng dụng kể từ khi nhận được phản ánh lừa đảo của người dân và phải có đánh giá, chứng cứ rõ ràng mới được xóa website độc hại. Điều này vừa tăng hiệu quả phòng chống tội phạm mạng vừa bảo đảm cạnh tranh công bằng trên không gian mạng, tránh trường hợp đối thủ chơi xấu, lợi dụng việc này báo cáo xóa sổ website doanh nghiệp đang làm ăn chân chính" - ông Đức kiến nghị.
Bình luận (0)