Làm sao để không nhầm lẫn sốt xuất huyết với các bệnh đang lưu hành (cúm, sởi,..) cũng như cách phòng, ngừa bệnh, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm-Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM)
* Phóng viên: Thời gian gần đây, TP HCM liên tục xuất hiện mưa trái mùa. Bác sĩ cho biết với thời tiết như hiện tại, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết ra sao?
- ThS-BS Nguyễn Đình Qui: Với sự xuất hiện của các cơn mưa trái mùa trong thời gian gần đây sẽ có thể dẫn đến sự gia tăng bệnh sốt xuất huyết. Bởi khi mưa trái mùa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.
ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm- Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), cho biết mưa trái mùa nguy cơ bệnh sốt xuất huyết đến sớm hơn so với mọi năm
Dự báo, năm nay, bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện sớm hơn so với mọi năm, đặc biệt là trong các tháng đầu năm, thay vì vào khoảng tháng 4-5 như thường lệ.
Trong sáng cùng ngày, tại khoa đã ghi nhận 8 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca nặng. Các bệnh nhân chủ yếu là trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 14 với tình trạng bệnh diễn tiến nhanh. Tuy nhiên, sau khi được điều trị bằng dịch truyền, tình trạng của các bệnh nhân đã ổn định.
* Hiện tại, không chỉ bệnh sốt xuất huyết mà còn đang có sự gia tăng bệnh cúm, sởi,... Vậy làm sao phân biệt các bệnh này để kịp thời phát hiện bệnh, tránh trở nặng, thưa bác sĩ?
- Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền, với các triệu chứng đặc trưng như sốt cao liên tục trong 3 đến 4 ngày, nôn ói, đau bụng, ăn uống kém và có thể xuất hiện dấu hiệu xuất huyết như chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng. Nếu tình trạng không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành sốc, gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Nếu trẻ bị sốt từ 3 đến 4 ngày mà sau đó có dấu hiệu khỏe hơn thì có thể là cảm cúm. Còn nếu sau 3 đến 4 ngày sốt nhưng trẻ lại mệt hơn, ăn uống kém hơn, và có dấu hiệu nôn ói hoặc đau bụng thì khả năng cao là sốt xuất huyết.
Cần chú ý đến các dấu hiệu này để tránh bỏ sót bệnh. Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng như sốt cao kéo dài, nôn ói, đau bụng hoặc tiểu ít, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế những biến chứng nguy hiểm do bệnh sốt xuất huyết gây ra.
Trong bối cảnh thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp với mưa trái mùa, khả năng dịch bệnh sẽ tăng lên trong những tuần tới. Người dân cần chủ động phòng ngừa và theo dõi sức khỏe của bản thân và gia đình để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết.
* Cách phòng ngừa bệnh này trong bối cảnh hiện nay thế nào, thưa ông?
- Để phòng ngừa sốt xuất huyết, người dân cần lưu ý các biện pháp bảo vệ như: Dọn dẹp vệ sinh môi trường bằng cách loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng như chậu cây, vỏ xe cũ, bình hoa… để ngăn ngừa muỗi sinh sản. Bên cạnh đó, sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như: Mặc quần áo dài tay, sử dụng kem chống muỗi và ngủ trong màn để tránh muỗi đốt. Đặc biệt, hiện đã có vắc-xin ngừa sốt xuất huyết có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Vắc-xin sốt xuất huyết có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bình luận (0)