xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mục tiêu kỷ lục của Khánh Hòa

Bài và ảnh: Kỳ Nam

Áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng, cùng đội tàu khai thác quy mô lớn, năm 2025, ngành thủy sản Khánh Hòa đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD

Ngày 12-2, ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa, cho biết năm 2025 địa phương phấn đấu đạt mốc xuất khẩu thủy sản 1 tỉ USD.

Nhiệm vụ khả thi

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2024, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 2 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 829,6 triệu USD, tăng đến 16,6%. Như vậy, so với tỉ trọng xuất khẩu của cả tỉnh thì mục tiêu 1 tỉ USD xuất khẩu thủy sản trong năm 2025 là một nhiệm vụ khả thi.

Khánh Hòa hiện có đội tàu khai thác hơn 3.400 chiếc, trong đó 643 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên chuyên khai thác xa bờ. Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 125.750 tấn, tăng 4,3% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 104.180 tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 22.570 tấn, tăng 21% so với năm trước.

Trong khi đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa gần 4.300 ha. Tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh. Toàn tỉnh có 4 vùng nuôi là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh với tổng 99.790 ô lồng và sản lượng đạt 3.300 tấn.

Khánh Hòa còn có thế mạnh về chế biến xuất khẩu thủy sản với 64 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ NN- PTNT cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Khánh Hòa có mặt trên 64 thị trường trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn chiếm từ 35% - 44% giá trị xuất khẩu của tỉnh, đưa Khánh Hòa trở thành một trong 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản mạnh nhất cả nước.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết xuất khẩu thủy sản của tỉnh tăng nhanh qua từng năm. "Nếu khai thác tốt tiềm năng lợi thế biển của địa phương, đồng thời các chương trình, đề án, chính sách sớm được thông qua thì năm 2025 có khả năng Khánh Hòa sẽ thu về 1 tỉ USD từ xuất khẩu thủy sản" - ông Quang đánh giá.

Mục tiêu kỷ lục của Khánh Hòa- Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản ở Khánh Hòa kỳ vọng năm 2025 sẽ đạt mức 1 tỉ USD

Đẩy mạnh mô hình nuôi biển công nghệ cao

Khánh Hòa có đường bờ biển 385 km, với 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều đầm, vịnh, trong đó cả vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh và đầm Nha Phu... rất phù hợp để phát triển nuôi biển. Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng việc "nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường" và "phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá" vượt mốc 1 tỉ USD vào năm 2045.

Để thực hiện mục tiêu giảm khai thác tự nhiên, tăng cường nuôi biển, thời gian qua Khánh Hòa đã áp dụng hàng loạt mô hình nuôi biển công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Ông Lê Đình Khiêm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho hay ở vịnh Vân Phong, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã đầu tư và ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến thành công. Trong đó, công ty vận hành hệ thống cho cá ăn tự động, tạo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất con giống nhân tạo đến công đoạn thu hoạch... với khu vực diện tích nuôi cá chẽm xa bờ 384 ha, quy mô hơn 51 lồng. Sản lượng trung bình lên đến 250-300 tấn cá/lồng.

Bên cạnh đó, hàng loạt đơn vị đang đầu tư nuôi biển công nghệ cao bằng lồng HDPE, như: Viện Nghiên cứu thủy sản 1 thực nghiệm đầu tư 42 lồng nuôi cá với sản lượng 200 tấn/năm; Công ty CP NTTS Phương Minh với 11 lồng HDPE thu về 150 tấn cá/năm; Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện Dự án xây dựng mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng vật liệu mới HDPE, với quy mô 8 lồng HDPE kiểu NaUy...

Năm 2023, Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup đã thực hiện hỗ trợ 10 hộ dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển ở vịnh Cam Ranh. Năm 2024, toàn bộ 10 hộ tham gia nuôi tôm hùm, cá biển bằng lồng nuôi vật liệu HDPE này đã thu lợi nhuận cao hơn so với việc nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Cư (41 tuổi) - người đang có 2 khu lồng nuôi biển công nghệ cao, quy mô 1.600 m3, cho biết khi chuyển sang lồng nuôi được làm bằng nhựa HDPE thân thiện với môi trường, chống được bão to, sóng lớn. Ngoài ra, chi phí đầu tư mỗi chiếc lồng nuôi như vậy là khoảng 280 triệu đồng, các ngư dân được hỗ trợ đến 70% giá trị lồng. "Áp dụng mô hình nuôi biển công nghệ cao này, có độ an toàn và thu hoạch với sản lượng cao hơn so với lồng bè truyền thống. Vụ thả cá bớp vừa qua, dù giá chưa cao như kỳ vọng, doanh thu vẫn đạt 1,3-1,4 tỉ đồng/lồng. Trừ đi chi phí, mỗi lồng nuôi lãi 400 triệu đồng" - ông Cư cho biết. 

Dự kiến kinh phí thí điểm 1.000 tỉ đồng

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh dự kiến kinh phí thực hiện thí điểm chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi bằng vật liệu mới (HDPE, FRP...) đến năm 2029 với kinh phí 1.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 300 tỉ đồng, người nuôi đóng góp 400 tỉ đồng, vay chính sách tín dụng ưu đãi 300 tỉ đồng. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đang trình quy hoạch vùng nuôi để Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, yêu cầu các địa phương, sở ngành sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển cho các hộ dân với 2 vùng biển. Gồm: dưới 3 hải lý có tổng diện tích mặt biển là 2.328 ha; vùng biển từ 3-6 hải lý có tổng diện tích mặt biển là 1.273 ha.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Mục tiêu kỷ lục của Khánh Hòa- Ảnh 2.

Mục tiêu kỷ lục của Khánh Hòa- Ảnh 3.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo