Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 29 của Nhóm Tiếp xúc Quốc phòng Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết ông đã đạt được thỏa thuận với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth về việc hai nước cung cấp 5 hệ thống Patriot cho Ukraine trong chuyến thăm Washington gần đây.
Cũng theo ông Pistorius, hoạt động phối hợp với các đối tác liên quan tới việc chuyển giao các hệ thống Patriot sẽ được tiếp tục trong những ngày tới.
Trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức thông báo không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11-7 tuyên bố Washington sẽ gửi vũ khí tiên tiến, bao gồm cả Patriot, tới Ukraine thông qua NATO, đánh dấu bước ngoặt sau một thời gian ngắn Lầu Năm Góc tạm dừng chuyển giao vũ khí.
Khi đó, ông Donald Trump nói với kênh truyền hình CBS News: "Chúng tôi sẽ gửi Patriot tới NATO và sau đó NATO sẽ phân phối chúng". Ông Donald Trump cho biết thêm rằng Liên minh châu Âu sẽ chi trả toàn bộ chi phí chuyển giao các hệ thống Patriot này.

Hệ thống phòng không tên lửa Patriot của NATO do pháo binh phòng không của Đức vận hành. Ảnh: EPA-EFE
Theo đài Euronews, thông báo mới nhất của ông Pistorius được đưa ra trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công tầm xa vào Ukraine vào ban đêm, bao gồm sử dụng tên lửa đạn đạo mà chỉ hệ thống Patriot mới có thể bắn hạ.
Hệ thống tên lửa Patriot có thể phát hiện và đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không, đặc biệt là tên lửa đạn đạo tầm cao, và được coi là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới.
Trong đêm 20-7 rạng sáng ngày 21-7, Nga đã không kích thủ đô Kiev của Ukraine. Các quan chức địa phương cho biết vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa quy mô lớn gây ra một số vụ cháy khắp thành phố.
Trong khi đó, đài RT dẫn lời Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky thông báo trên Telegram ngày 21-7 rằng vòng đàm phán hòa bình trực tiếp tiếp theo giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 23-7.
Tuy nhiên, trước đó, hãng thông tấn TASS trích dẫn nguồn tin nội bộ loan tin vòng đàm phán mới sẽ diễn ra vào ngày 24-7.
Cùng ngày 21-7, Tổng thống Zelensky cho biết chương trình nghị sự của Kiev cho các cuộc đàm phán sắp tới bao gồm các vấn đề nhân đạo, chẳng hạn như trao đổi tù binh và đàm phán về một cuộc gặp tiềm năng giữa các nhà lãnh đạo của hai nước.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý cần phải thực hiện "công việc ngoại giao rộng lớn", bởi vì bản ghi nhớ hòa bình của Nga và Ukraine "hoàn toàn trái ngược nhau".
Ông Peskov nói với các nhà báo hôm 21-7 rằng thành phần của nhóm đàm phán của Moscow vẫn giữ nguyên.
Bình luận (0)