Washington Post hôm 29-5 cho biết Mỹ đang tỏ ra quan ngại trước thông tin Ukraine nhắm mục tiêu tấn công các hệ thống radar cảnh báo sớm của Nga.
Các vụ tấn công được báo cáo do phía Ukraine thực hiện bằng máy bay không người lái (UAV) trong các ngày 23 và 26-5, nhằm vào các trạm radar Voronezh M/DM ở Armavir thuộc vùng Krasnodar và Orsk thuộc vùng Orenburg của Nga. Đòn tấn công dường như làm hư hại trạm radar hạt nhân ở Armavir.
Chức năng chính của các trạm radar này là phát hiện và theo dõi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, từ đó xác định xem Nga có bị tấn công hạt nhân hay không để triển khai sớm các biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, chúng còn có các vai trò phụ như như theo dõi không gian.
Trạm radar ở Orsk thuộc vùng Orenburg cách quá xa Ukraine, hơn nữa trạm này chỉ tập trung vào khu vực Trung Đông và Trung Quốc. Việc tấn công trạm radar Nga khó có thể mang lại giá trị quân sự trực tiếp cho Kiev.
Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết Washington quan ngại về việc UAV Ukraine tấn công radar cảnh báo hạt nhân của Nga và đã trao đổi với Kiev về nỗi lo này.
"Những địa điểm này không liên quan đến việc hỗ trợ Nga trong xung đột với Ukraine. Chúng là những địa điểm nhạy cảm vì Nga có thể nhận thấy rằng khả năng răn đe chiến lược của họ đang bị nhắm tới" - quan chức Mỹ giấu tên nhận định.
Quan chức Mỹ này còn cho rằng các cuộc tấn công có thể gây tổn hại đến sự ổn định chiến lược giữa Washington và Moscow.
Kiev đang kêu gọi Washington cho phép sử dụng vũ khí Mỹ viện trợ để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga nhưng chưa được chấp thuận.
Trong khi đó, Đức bất ngờ "úp mở" khả năng cho phép Ukraine dùng vũ khí mà họ viện trợ tập kích lãnh thổ Nga.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 28-5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng "nếu Ukraine bị tấn công họ có thể tự vệ" theo luật pháp quốc tế.
Nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết ông không phản đối quan điểm của Tổng thống Macron rằng phương Tây "nên cho phép Kiev vô hiệu hóa các địa điểm quân sự tấn công Ukraine trước".
Chỉ một ngày sau đó, ông Steffen Hebestreit, phát ngôn viên Thủ tướng Đức, nói Berlin tin rằng "hành động phòng thủ của Kiev không chỉ giới hạn ở lãnh thổ của mình mà có thể còn được mở rộng sang lãnh thổ của bên tấn công".
Mặc dù vậy, ông Hebestreit từ chối cung cấp thông tin chi tiết về những thỏa thuận mà Berlin đã đạt được với Kiev liên quan đến việc sử dụng vũ khí do Đức cung cấp.
Đức suốt nhiều tháng qua đã từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine do lo ngại tên lửa Đức có thể được sử dụng để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga, dẫn tới xung đột trực tiếp giữa NATO với Nga.
Bình luận (0)