Thông tin được ông John Rockhold, Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng, Đồng chủ tịch Tiểu ban Năng lượng của Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), chia sẻ tại Diễn đàn Chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam diễn ra sáng ngày 18-12, tại Hà Nội.
Ông John Rockhold thông tin Tổng thống đắc cử của Mỹ là ông Donal Trump sẽ có những thảo luận liên quan tới LNG.
Việt Nam hiện đang thặng dư thương mại với Mỹ, theo đó Mỹ mong muốn được xuất khí LNG về Việt Nam qua kho cảng ở Bờ Tây dự kiến hoàn thành vào năm 2025 với chi phí vận chuyển giảm 50% so với trước đây.
Đáng chú ý, nếu Mỹ và Việt Nam giao dịch thành công, giá thành LNG về Việt Nam có thể giảm xuống 3 USD/MMBtu - đơn vị tính cho khí LNG.
Theo BMI Research, trữ lượng khí thiên nhiên tại Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Malaysia) với sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt khoảng 10,6 tỉ m3 khí.
Báo cáo ngành khí Việt Nam dự đoán với tốc độ khai thác hiện tại, tổng trữ lượng khí sẽ đủ khai thác trong vòng 18 - 20 năm tới.
Tuy nhiên, để đáp ứng cho việc phát triển điện khí mạnh mẽ trong tương lai, nhu cầu tăng do làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ các nước về Việt Nam, và sự sụt giảm của các mỏ khí, việc nhập khẩu khí LNG là giải pháp thiết yếu.
Theo bà Đặng Thị Thủy, Trung tâm thông tin và công nghiệp, Bộ Công Thương, năm 2023, 3 quốc gia là Mỹ, Úc và Qatar chiếm tới 3/5 tổng sản lượng LNG của thế giới. Mỹ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt qua Úc và Qatar.
Theo số liệu từ công ty LSEG, năm 2023, Mỹ xuất khẩu 88,9 triệu tấn LNG, tăng 14,7% so với năm 2022. Hiện có 7 cơ sở LNG đang hoạt động ở lục địa Mỹ, với công suất thiết kế là 92,3 Mtpa, chiếm khoảng 1/5 tổng sản lượng LNG của thế giới.
Nhu cầu thị trường khí, bao gồm khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu giai đoạn 2030 - 2050, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40% - 45%, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ dao động từ 55% - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: Sản xuất điện; nông nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu.
So với các nước phát triển trên thế giới, ngành công nghiệp khí của Việt Nam còn trong giai đoạn đang phát triển.
Nhu cầu sử dụng trong nước chưa thực sự bùng nổ nhưng lại có xu hướng tăng, dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 7% hàng năm trong 10 năm tới.
Bình luận (0)