Trước đó, Odysseus đã được phóng trong một sứ mệnh hợp tác với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 15-2.
Sự kiện diễn ra hôm 23-2 nói trên đánh dấu sự trở lại bề mặt mặt trăng của nước Mỹ kể từ sứ mệnh Apollo 17 (năm 1972). Intuitive Machines cũng đi vào lịch sử khi là công ty tư nhân đầu tiên có tàu vũ trụ đáp thành công xuống bề mặt của mặt trăng.
Odysseus đáp xuống khu vực gần Malapert A, một miệng hố va chạm gần cực Nam mặt trăng. Cực Nam là khu vực "chiến lược" được quốc tế quan tâm rộng rãi vì được cho là lưu trữ băng nước, có thể cung cấp nguồn nước uống, sinh hoạt và làm nhiên liệu cho các sứ mệnh tương lại.
Trước Mỹ, tàu Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống một khu vực khác gần cực Nam vào năm 2019; sau đó là tàu Vikram của Ấn Độ vào năm 2023.
Odysseus mang theo nhiều thiết bị khoa học và công nghệ của NASA và một số khách hàng thương mại, được thiết kế để hoạt động trong 7 ngày.
Riêng các thiết bị của NASA tập trung vào những tương tác giữa thời tiết không gian và bề mặt mặt trăng, thiên văn vô tuyến và những khía cạnh khác của môi trường mặt trăng để chuẩn bị cho các sứ mệnh đáp xuống đó trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo một biên bản ghi nhớ giữa Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc (NAOC) ở Bắc Kinh và Hiệp hội Đài quan sát mặt trăng quốc tế (ILOA, trụ sở chính tại bang Hawaii - Mỹ) từ năm 2012, các nhà khoa học NAOC sẽ cùng với các nhà khoa học Mỹ sử dụng 2 camera chụp ảnh trên tàu Odysseus để thực hiện các quan sát chung, hướng đến các thiên thể khác nhau và khu vực trung tâm của Milky Way (tức Ngân Hà, thiên hà chứa đựng hệ mặt trời).
Trước đó, thỏa thuận này cũng đã cho phép các nhà khoa học ILOA sử dụng công cụ trên tàu Hằng Nga 3 của Trung Quốc (đổ bộ mặt trăng tháng 12-2023) để thực hiện một số nghiên cứu.
Bình luận (0)