Động thái này đánh dấu cuộc đàm phán quan trọng đầu tiên giữa 2 quốc gia kể từ khi căng thẳng thương mại gia tăng.
Sau khi kế hoạch trên được công bố hôm 6-5, ông Bessent phát biểu trên đài Fox News rằng khi Mỹ tham gia đàm phán với nhiều đối tác thương mại thì Trung Quốc chính là mảnh ghép còn thiếu. Nhận định tình hình hiện tại là "không bền vững", Bộ trưởng Mỹ cho rằng mức thuế quan hiện tại "tương đương với lệnh cấm vận", đồng thời nhấn mạnh điều Washington muốn là thương mại công bằng.
Sau nhiều lần tăng thuế qua lại, hiện Mỹ đánh thuế 145% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi hàng hóa theo chiều ngược lại đang chịu mức thuế 125%. Đài CNBC nhận định các cuộc gặp sắp tới dường như là bước tiến quan trọng hướng đến việc Washington và Bắc Kinh bắt đầu đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại. Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng cho biết Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán về việc giảm thuế quan nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận và nhấn mạnh Washington cần giảm thuế quan trước.

Một bến cảng container ở TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 27-4 Ảnh: AP
Tuy nhiên, lần này Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận Phó Thủ tướng Hà Lập Phong sẽ gặp ông Bessent tại Thụy Sĩ. "Phía Trung Quốc đã đánh giá cẩn thận thông tin từ phía Mỹ và quyết định đồng ý liên lạc với phía Mỹ sau khi xem xét đầy đủ kỳ vọng toàn cầu, lợi ích của Trung Quốc và lời kêu gọi từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ" - AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm 6-5. Quan chức này cũng khẳng định Trung Quốc sẽ không "hy sinh các nguyên tắc, hoặc công lý hoặc bình đẳng toàn cầu để tìm kiếm bất kỳ thỏa thuận nào".
Thông tin về cuộc gặp được công bố trong bối cảnh cả nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đều đang cho thấy những dấu hiệu căng thẳng do tác động của căng thẳng thương mại. Trung Quốc hôm 7-5 đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm giảm thiểu tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cụ thể, theo AP, thống đốc ngân hàng trung ương và các quan chức tài chính hàng đầu công bố kế hoạch cắt giảm lãi suất và hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để tăng nguồn vốn cho vay. Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ tăng ngân sách hỗ trợ nâng cấp nhà máy, đổi mới sáng tạo, cũng như chăm sóc người cao tuổi và các ngành dịch vụ khác.
Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục 140,5 tỉ USD trong tháng 3 khi doanh nghiệp đồng loạt đẩy mạnh nhập khẩu trước khi thuế quan có hiệu lực. Con số này tăng hơn gấp đôi so với mức hồi tháng 3-2024 (dưới 68,6 tỉ USD), theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Trước đó, báo cáo mới của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy GDP quý I/2025 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm kể từ quý I/2022.
Nhà Trắng khẳng định rằng các mức thuế mới sẽ giúp thu hẹp các thâm hụt thương mại kéo dài (Mỹ chưa từng xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu kể từ năm 1975), phục hồi ngành sản xuất trong nước và tạo ra nguồn thu cho chính phủ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo về những hậu quả đáng kể đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình và nền kinh tế nếu các mức thuế mà ông Donald Trump đề xuất được thực thi.
Bình luận (0)