Theo Live Science, nhóm nghiên cứu Anh - Mỹ đã khám phá ra "vua quái vật" khi dành hơn 10 năm để đánh giá lại hóa thạch là một phần hộp sọ kỳ lạ bị phân loại nhầm là loài Tyrannosaurus rex (khủng long bạo chúa T-rex).
Mẫu vật này đã được khai quật từ năm 1983, được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New Mexico (Mỹ) trong nhiều thập kỷ.
Bí mật mà nó ẩn giấu chỉ được hé lộ qua bài báo khoa học vừa được đăng tải trên tạp chí Scientific Reports hôm 11-1: Đó là một loài hoàn toàn mới, được đặt tên Tyrannosaurus mcraeensis.
Quái vật này có niên đại khoảng 71-73 triệu năm, tức loài này phải có trước khi con T-rex đầu tiên ra đời từ 3-5 triệu năm. Tuy cùng dòng họ Tyrannosaurus, con T-mcraeensis này có khác biệt đáng kể về hình thái với "cựu vương" T-rex.
Theo nhà cổ sinh vật học Nick Longrich từ Đại học Bath (Anh), khác biệt rõ rệt nhất là hàm dưới mảnh và cong hơn. Nó cũng thiếu vài chi tiết nổi bật, gồ ghề trên đỉnh mắt so với T-rex.
Đặc biệt hơn, hộp sọ con T-mcraeensis này khiến các nhà khoa học nghi ngờ nó không phải cá thể thuộc loại to lớn trong loài của nó, nhưng kích thước cơ thể vẫn khoảng 12 m, tức tương đương một con T-rex lớn điển hình.
Răng của T-mcraeensis có thể còn lớn hơn cả T-rex. So sánh về sức mạnh và độ nguy hiểm tổng thể, T-mcraeensis phải ngang sức hoặc thậm chí là hơn T-rex.
Và có lẽ từng có các cuộc chiến thảm khốc xảy ra giữa hai loài hoặc hỗn chiến với các loài khủng long hung dữ khác xảy ra trên mảnh đất ngày nay là Bắc Mỹ.
T-rex và các loài "anh em" - bao gồn con T-mcraeensis mới - chủ yếu sống ở mảnh đất cổ xưa được gọi là Laramidia, được tạo thành từ vùng đất ngày nay là bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ, kéo dài từ bang Alaska của Mỹ đến tận Mexico.
Cho dù vậy, các loài Tyrannosaurus có thể cũng lan sang cả châu Á, dựa vào một số bằng chứng vẫn chưa chắc chắn.
Bình luận (0)