Theo Science Alert, hóa thạch hoàn hảo được tìm thấy tại Myanmar là bằng chứng cho thấy các sinh vật thời khủng long từng chiêm ngưỡng một trong những khung cảnh mê hoặc nhân loại nhất ngày nay: Bầu trời đêm lấp lánh đom đóm.
Một nghiên cứu mới đây do nhà cổ sinh vật học Chenyang Cai thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dẫn đầu đã phân tích một mẫu vật 99 triệu tuổi quý giá được tìm thấy ở Myanmar.
Đất nước này từ lâu đã nổi tiếng với hổ phách Miến Điện, thứ đôi khi vô tình nhốt các sinh vật thời tiền sử.
Nhưng đây chỉ mới là sinh vật thứ 2 thuộc dòng dõi đom đóm lộ diện bên trong hổ phách.
Mẫu vật này rất đặc biệt bởi bảo quản nguyên vẹn toàn bộ con đom đóm bao gồm một thứ vô giá đối với các nhà khoa học: "Chiếc đèn lồng" ở đuôi.
Sinh vật vừa được phát hiện cũng thuộc một loài khác so với mẫu vật trước đó. Nó được đặt tên loài là Flammarionella hehaikuni.
Con đom đóm được tìm thấy trong hổ phách Miến Điện trước đây là Protoluciola albertalleni, cũng lưu giữ được bằng chứng cho thấy khả năng phát sáng và cũng cùng niên đại với mẫu vật này.
Tuy vậy, các nhà khoa học có thêm một may mắn: Con đom đóm đầu tiên là con đực, trong khi con vừa tìm thấy là con cái. Chúng có một số cấu trúc cơ thể khác nhau, ví dụ con đực thường có râu kỳ lạ hơn nhiều so với con cái.
Ngoài ra, một nhóm nghiên cứu khác từng tìm thấy một loài côn trùng phát sáng không phải đom đóm trong một mỏ hổ phách khác ở Myanmar.
Theo TS Cai và các cộng sự, sinh vật mới này là bằng chứng sống động cho thấy khả năng phát sáng ở côn trùng đã lâu đời hơn chúng ta nghĩ và vào khoảng 99 triệu năm trước, khả năng này đã được tiến hóa đa dạng ở nhiều loài đom đóm.
Họ hy vọng sẽ tìm thấy thêm được nhiều sinh vật có khả năng phát sáng khác trong kỷ Phấn Trắng cũng như đại Trung Sinh nói chung, để có thể hiểu được nguyên nhân và cách thức mà hiện tượng phát quang sinh học xuất hiện trong thế giới động vật.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences.
Bình luận (0)