Chiều 20-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tóm tắt kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTT, CLP) trong năm 2023.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Chính, thực hiện Luật THTT, CLP, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ có Báo cáo số 240/BC-CP ngày 17-5-2024 trình Quốc hội.
Tình hình kinh tế xã hội năm 2023 có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng đạt mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Công tác THTT, CLP được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Thu ngân sách nhà nước năm 2023 thực hiện đạt 1.754,1 ngàn tỉ đồng, tăng 133,4 ngàn tỉ đồng (tăng 8,2% so dự toán). Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 ngàn tỉ đồng. Chi ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 2.109,9 ngàn tỉ đồng, bằng 101,6% dự toán, tăng gần 74 ngàn tỉ đồng.
Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai. "Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 ngàn tỉ đồng" - Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nêu.
Thẩm tra báo cáo kết quả THTT, CLP năm 2023, Ủy ban Tài chính Ngân sách (UB TCNS) của Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ. Báo cáo đã thể hiện khái quát, toàn diện các nội dung theo quy định của Luật THTK, CLP; các phụ lục thống kê khá đầy đủ, chi tiết. Nhận thức, trách nhiệm về THTK, CLP được cải thiện, công tác hoàn thiện thể chế, ban hành chương trình THTK, CLP tích cực, chủ động, thể hiện tính kế thừa và phát triển.
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Chủ nhiệm UB TCNS Lê Quang Mạnh, công tác THTK, CLP còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Công tác hoàn thiện thể chế còn có những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra. Tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2023 cho thấy kiến nghị sau giám sát của các cơ quan của Quốc hội chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Mặc dù công tác quản lý thuế đã được tăng cường, song vẫn còn bất cập; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng so với năm 2022.
Kết quả xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu; chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương chưa cao. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.
Về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm.
Trong năm 2023, chỉ tiến hành thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp, thu về 24 tỉ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 7 doanh nghiệp thu về 206,3 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư của nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý...
Bình luận (0)