Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vào chiều 7-1, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 31-12-2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08 % so với cuối năm 2023, đạt mục tiêu định hướng đặt ra từ đầu năm (15%). Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Tổng doanh số cho vay năm 2024 đạt 23 triệu tỉ đồng, đến nay dư nợ 15,6 triệu tỉ đồng (cuối năm 2023 là 13,6 triệu tỉ đồng). Như vậy, trong năm 2024, hệ thống ngân hàng đã bơm thêm 2,1 triệu tỉ đồng ra nền kinh tế. "Đây là con số không nhỏ so quy mô nền kinh tế, cho thấy tỉ trọng vốn tín dụng đưa vào nền kinh tế rất cao"- Phó Thống đốc Thường trực đánh giá.
Tỉ giá 2024 tăng 5,03%, được đánh giá là khá hài hòa. Lãi suất huy động tăng 0,71% so cuối năm 2023, lãi suất cho vay giảm 0,59%.
NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 145.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Ngày 30-12-2024, NHNN đã có văn bản thông báo nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.
Năm 2025, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%.
Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh ngành ngân hàng rất mong nền kinh tế nhận được nhiều nguồn vốn khác (trái phiếu doanh nghiệp, vốn tư nhân, ngân sách...) để giảm áp lực cho tín dụng. Tuy vậy, ngành ngân hàng cũng xác định trách nhiệm của mình nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ (GDP tăng ít nhất 8%). Tất nhiên, con số 16% chỉ là mục tiêu định hướng, NHNN có thể điều chỉnh tùy tình hình thực tế trên cơ sở ổn định giá trị đồng tiền, tỉ giá và hỗ trợ tăng trưởng.
Có phương án trước Tết Nguyên đán cho 2 ngân hàng yếu kém
Theo ông Đào Minh Tú, 2 ngân hàng mua bắt buộc đã được chuyển giao (OceanBank và CBBank). Còn lại hai ngân hàng yếu kém đang trình Chính phủ (DongABank, GPBank) và có thể sẽ có phương án trước Tết Nguyên đán 2025.
Riêng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang được duy trì ổn định, đảm bảo được tiền gửi của người dân, cùng với đó tiến hành xử lý các sai phạm, yếu kém của ngân hàng và cá nhân gây ra, đồng thời đang xây dựng phương án tái cơ cấu SCB một cách tích cực.
Việc cơ cấu lại các TCTD, đến nay tất cả TCTD đang hoạt động tích cực. Hầu hết ngân hàng có lãi và lãi cao hơn so với năm 2023. Các ngân hàng duy trì mức lãi hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bình luận (0)