Kết quả các cuộc bỏ phiếu này sẽ tác động mạnh mẽ đến thế giới và cuộc sống của người dân trong bối cảnh năm vừa qua gặp không ít biến động.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới chắc chắn là sự kiện quan trọng nhất, với màn tái đấu tiềm tàng giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Nếu chiến thắng, ông Biden sẽ cầm quyền cho đến năm 86 tuổi. Ngược lại, ông Trump sẽ trở thành người thứ hai làm tổng thống Mỹ trong 2 nhiệm kỳ không liên tiếp.
Một cuộc bầu cử đáng chú ý khác diễn ra tại Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 4 và 5, cử tri sẽ bầu chọn các thành viên Hạ viện. Đảng hoặc liên minh các đảng nào kiểm soát Hạ viện sẽ chọn thủ tướng.
Đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi đang tìm kiếm chiến thắng lần thứ 3 liên tiếp.
Nhiều cuộc bầu cử cũng diễn ra ở châu Âu, trong đó thu hút nhiều chú ý có cuộc bầu cử tổng thống Nga, dự kiến diễn ra vào tháng 3. Tổng thống Vladimir Putin gần đây thông báo quyết định tái tranh cử và nếu chiến thắng, ông sẽ cầm quyền cho đến năm 2030.
Trong khi đó, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 6, được xem là phép thử cho phe dân túy cánh hữu. Những vấn đề dự kiến được cử tri quan tâm nhiều trong chiến dịch tranh cử là kinh tế, di cư, biến đổi khí hậu…
Sự ủng hộ gia tăng dành cho các đảng cực hữu có khuynh hướng hoài nghi châu Âu dẫn đến nỗi lo về hướng đi của Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai.
Tại châu Phi, không cuộc bầu cử nào gây nhiều chú ý hơn sự kiện ở Nam Phi. Dự kiến diễn ra trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, cuộc bầu cử sẽ chứng kiến Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền và Đảng Liên minh Dân chủ tranh đua gay gắt.
Bình luận (0)