Hình ảnh hàng chục chiếc xe máy chìm nghỉm dưới hầm một chung cư mini ở huyện Thanh Trì lan truyền trên các mạng xã hội mới đây là cảnh không phải hiếm ở một số khu vực tại TP Hà Nội mỗi khi trời mưa to. Từ đầu năm 2024 đến nay, dù mới vào cao điểm mùa mưa nhưng TP Hà Nội đã vài lần hứng chịu những trận ngập nặng. Trong đó có những trận mưa to khiến nhiều tuyến phố ở trung tâm ngập sâu 40 - 60 cm làm hầu hết các phương tiện không thể di chuyển. Đặc biệt, tình trạng ngập úng nghiêm trọng nhất thường ở các khu vực phía Tây của TP Hà Nội như đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, đại lộ Thăng Long…
Có nhiều nguyên nhân được dẫn ra để lý giải cho tình trạng ngập úng ở Hà Nội, trong đó nguyên nhân chính, thường được dẫn ra đầu tiên là do… mưa to. Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trên địa bàn thành phố nếu có mưa rào diện rộng với lượng mưa trung bình 70-100 mm/giờ là có thể xảy ra hiện tượng ngập úng trên địa bàn. Nếu lượng mưa khoảng 50 mm/giờ, thành phố không có điểm ngập úng nào. Lượng mưa trên 70 mm/giờ, ở Hà Nội có khoảng 11 điểm ngập úng. Với các trận mưa có lượng mưa trên 70 mm/giờ; mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn gây quá tải hệ thống thoát nước thì thành phố sẽ xuất hiện thêm 19 điểm ngập úng.
Tuy nhiên, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý thoát nước của thủ đô là Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng thừa nhận những nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng cứ mưa lớn là ngập. Theo đó, nhiều dự án hạ tầng lớn đang thi công chậm tiến độ như đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội…; sông Nhuệ chưa được cải tạo; khu vực đô thị trung tâm có nhiều vị trí trũng thấp cục bộ, hệ thống cống cũ nhỏ xuống cấp, xa nguồn tiêu thoát nước, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh nhiều rác, dầu mỡ chưa qua xử lý…, nhất là dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỉ đồng chậm tiến độ.
Song, theo các chuyên gia, bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu gây hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất và sâu xa nhất là vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội, nhất là khu vực phía Tây, diễn ra rất nhanh làm tăng tỉ lệ bê-tông hóa nền mặt đường, cống hóa kênh mương… trong khi nhiều ao, hồ, kênh mương tự nhiên bị san lấp để xây dựng nhà cửa, đường sá. Một trong những điều đáng lo ngại là thực hiện quy hoạch không nghiêm, nhất là xây dựng nhà cửa vượt xa tỉ lệ đã được quy hoạch.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ngập úng, trong đó tập trung vào các dự án tiêu thoát nước. Thế nhưng, xem ra với những nguyên nhân quan trọng như hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu và vấn đề quy hoạch, thực hiện quy hoạch thì giải quyết tình trạng này vẫn là một bài toán nan giải.
Bình luận (0)