Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh với các thông tin xuyên tạc, chống phá thì cán bộ, đảng viên phải có đủ bản lĩnh. Bởi lẽ, nếu không đủ bản lĩnh thì sẽ dễ bị nhiễm những thông tin xấu độc, từ đó lây cho người khác.
Vượt qua cám dỗ
Khi bản lĩnh kém, cán bộ, đảng viên không chỉ không phê phán, đấu tranh với các thông tin xấu mà còn rất dễ tin theo, thậm chí góp phần lan tỏa, sẽ tác động xấu đến xã hội. Trái lại, khi có đủ bản lĩnh thì bản thân không những "miễn nhiễm" mà còn có thể tác động đến người khác, giúp người đó trở nên bản lĩnh hơn.
Trong bối cảnh có sự tác động mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường, trong điều kiện cán bộ, đảng viên được giao một số nhiệm vụ có nhiều quyền lực, lợi ích thì sự tha hóa, suy thoái, biến chất rất dễ xảy ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm của cán bộ, đảng viên, nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp và chiếm tỉ lệ lớn là do bản lĩnh không vững vàng nên không vượt qua được cám dỗ về vật chất, không đủ kiên định để vượt qua những khó khăn. Từ đó, họ dễ chùn bước, không đủ tỉnh táo để thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng, không tự răn mình, dẫn đến sa vào tha hóa quyền lực, độc đoán, mất dân chủ…
Vì vậy, các cấp ủy Đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải thực sự chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên được học các lớp lý luận chính trị, quán triệt nghị quyết, thông tin thời sự…; được tiếp cận các tài liệu nghiên cứu, tham khảo, nhất là những tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ.
Nếu cán bộ, đảng viên thiếu thông tin hoặc tiếp cận thông tin không đầy đủ, rất có thể họ sẽ không hiểu, hiểu không đúng hoặc hiểu sai một số vấn đề quan trọng, từ đó hành động không phù hợp.
Khẳng định tính nêu gương
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng cần kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên trong tổ chức của mình, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi; các dấu hiệu suy thoái về đạo đức, phẩm chất, lối sống…
Ví dụ, trong đơn vị có đảng viên tự cho rằng mình bị đối xử bất công về một số lợi ích - như đánh giá thi đua chưa xác đáng, người khác thực hiện nhiệm vụ kém hơn nhưng được xếp loại tốt hơn… - nên có biểu hiện dao động về mặt tư tưởng. Khi ấy, cấp ủy và người đứng đầu cần nắm bắt hiện tượng này để có biện pháp xử lý, như tìm hiểu rõ nguyên nhân; giải thích cặn kẽ các vấn đề mà đảng viên đó đặt ra; động viên, khích lệ về mặt tinh thần; rà soát lại việc đánh giá xem có thỏa đáng chưa…
Khi có đảng viên ngại việc, tránh việc, đùn đẩy… thì cần được đả thông về mặt tư tưởng; sắp xếp, phân công hợp lý; cử lãnh đạo kềm cặp, hướng dẫn để họ không dao động, không tránh né. Những điều đó có ý nghĩa làm cho cán bộ, đảng viên được nâng cao bản lĩnh, phát huy ý thức trách nhiệm, khẳng định tính nêu gương.
Đương nhiên, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải thật sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, chấp hành các nguyên tắc, quy định, nỗ lực khắc phục những khó khăn, thử thách… để làm gương cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Bởi lẽ, quần chúng sẽ nhìn vào cách thể hiện của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên để thực hiện các vai trò của mình trong công tác, sinh hoạt.
Khi người đứng đầu "tránh nặng tìm nhẹ", "việc anh công tôi", "nặng dưới nhẹ trên"… thì không thể thuyết phục được cấp dưới tận tâm, tận lực, phát huy hết trách nhiệm, sáng kiến, sáng tạo. Người đứng đầu mà luôn tìm cách vun vén cho lợi ích bản thân, "thân người này lạ người kia", "kính trên nạt dưới"… thì không thể thúc đẩy cấp dưới công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ, thậm chí manh nha bè cánh, gian dối lẫn nhau, tìm cách qua mặt tổ chức.
Một tổ chức Đảng, một đơn vị như vậy thì cán bộ, đảng viên không thể có sức "đề kháng" tốt với những biểu hiện tiêu cực, cũng như trong việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc.
Bản lĩnh của cán bộ, đảng viên chắc chắn được củng cố, bồi đắp từ chính bản thân cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, các yếu tố khác như sự giáo dục, bồi dưỡng của Đảng; thường xuyên được rèn luyện chuyên môn và đạo đức cách mạng; làm việc và sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, tích cực; được thuyết phục và truyền cảm hứng từ người đứng đầu… cũng có ý nghĩa quan trọng không kém.
Do vậy, để nâng cao bản lĩnh, phải thực hiện song hành cả yếu tố cá nhân và tập thể, cả yếu tố nội tại bên trong và môi trường bên ngoài của tất cả cán bộ, đảng viên.
Kỷ luật nhiều tổ chức Đảng và đảng viên
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 143 tổ chức Đảng và 3.147 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật, đề nghị thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 89 tổ chức Đảng và 135 đảng viên, trong đó có 39 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Qua kiểm tra, kết luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị cho thôi giữ chức vụ đối với 5 cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 44 tổ chức Đảng và 164 đảng viên, trong đó có 13 Ủy viên Trung ương, 17 nguyên Ủy viên Trung ương và 19 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; cho thôi giữ chức vụ 19 người. Số liệu này tăng cao so với nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Bình luận (0)