Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) nhằm triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết (NQ) số 98/2023/QH15 (NQ số 98) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển TP HCM là một yêu cầu khách quan, đáp ứng nhiệm vụ mới của TP HCM. Với những cơ chế và chính sách đặc thù, thành phố cần có một đội ngũ CB-CC-VC năng động, sáng tạo, có tính chuyên nghiệp cao, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.
Để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện đội ngũ CB-CC-VC, đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia và thực thi hiệu quả NQ số 98, cần thực hiện một số giải pháp như: Thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định về công tác quy hoạch - sử dụng CB-CC-VC, tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ CB-CC-VC. Thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển CB-CC-VC; chú trọng lựa chọn CB-CC-VC có trình độ cao, chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, thực sự tâm huyết với công việc. Bảo đảm tính khách quan, công khai, dân chủ, minh bạch trong đánh giá, bố trí, sử dụng CB-CC-VC; kiên quyết không tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm những người không đạt chuẩn theo quy định hiện hành.
Thực hiện nghiêm túc chủ trương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB-CC-VC nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CC-VC; tiến tới chuẩn hóa đội ngũ CB-CC-VC.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CB-CC-VC; sắp xếp, bố trí, sử dụng và cơ cấu lại đội ngũ CB-CC-VC theo yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí việc làm. Thực hiện bước đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CB-CC-VC trên tất cả các mặt: xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng…
Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng CB-CC-VC theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; trang bị đầy đủ cho CB-CC-VC những kiến thức, kỹ năng quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra.
Tăng cường đầu tư ngân sách và huy động mọi nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng CB-CC-VC; củng cố, nâng cao chất lượng của hệ thống đào tạo, bồi dưỡng CB-CC-VC. Bố trí, sử dụng CB-CC-VC phù hợp với trình độ, năng lực CB-CC-VC được đào tạo, bảo đảm nguyên tắc khách quan, dân chủ, lấy hiệu quả công việc làm thước đo mức độ hoàn thành công vụ của CB-CC-VC…
Song song đó, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công việc của CB-CC-VC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm và đạo đức của CB-CC-VC khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu về quản lý công vụ, công chức nói chung, nhất là với tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc vi phạm quy định về thái độ, trách nhiệm và văn hóa ứng xử của CB-CC-VC. Đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong quản lý CB-CC-VC từ khâu tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đến đề bạt, bổ nhiệm; có quy định xử lý nghiêm những CB-CC-VC không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, pháp luật. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong đánh giá CB-CC-VC; bảo đảm tính khách quan, khoa học, chính xác, công bằng; phản ánh đúng năng lực và phẩm chất của CB-CC-VC. Hoàn thiện hệ thống các tiêu chí đánh giá CB-CC-VC phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; xây dựng hình ảnh người CB-CC-VC "Trung thành - Tận tụy - Sáng tạo - Gương mẫu", tận tâm, tận lực cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của thành phố… Thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ đối với CB-CC-VC.
Bình luận (0)