Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II, sẽ diễn ra vào tháng 11-2025, được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách, góp phần phát triển du lịch. Đây là cơ hội để người nuôi và doanh nghiệp gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm và tiến tới hợp tác nhằm nâng cao giá trị đặc sản này của địa phương.
Chỉ tốn tiền mua con giống
Cua Cà Mau được nuôi dưới tán rừng ngập mặn, cùng với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi nên thịt ngọt, chắc, gạch béo và hàm lượng dinh dưỡng cao, được đánh giá là loại ngon nhất cả nước.
Với chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định, các món ăn chế biến từ cua Cà Mau trở thành lựa chọn khó thể bỏ qua của nhiều du khách khi đến địa phương này. Không những vậy, nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước còn sẵn sàng chi số tiền lớn để tìm đúng cua Cà Mau mua về thưởng thức.
Ông Nguyễn Văn Tình - ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau - cho hay cua giống khi mua về thả nuôi có kích thước chỉ bằng hạt me, giá bán trên dưới 1.200 đồng/con. Người dân Cà Mau thường thả cua giống nuôi kết hợp trong vuông tôm. Cua con sẽ bắt các loài tép, cá nhỏ… ăn và phát triển. Sau 6 tháng thả nuôi, khi cua đạt trọng lượng hơn 300 g/con thì người dân thu hoạch, bán cho thương lái.
"Thức ăn của cua biển có sẵn trong tự nhiên nên người nuôi không tốn bất cứ khoản chi phí nào ngoài tiền mua con giống. Mỗi năm, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng nhờ bán cua thương phẩm" - ông Tình thông tin.
Theo ông Nguyễn Văn Đảo - ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - gia đình ông gắn bó với nghề nuôi cua biển đã hơn 15 năm. "Tôi cũng thả cua nuôi trong vuông tôm. Khoảng đầu tháng 6 âm lịch, tôi mua 6.000 con cua giống về thả nuôi trong 3 ha vuông tôm. Gần Tết, giá cua thường tăng cao nên các hộ nuôi chúng tôi bắt đầu thu hoạch, cung cấp cho thị trường" - ông Đảo cho biết.
Các thương lái khẳng định những năm gần đây, dù giá cả thị trường nhiều lúc biến động, giá cua Cà Mau có thời điểm tăng kỷ lục hoặc giảm mạnh nhưng người nuôi vẫn bảo đảm có lợi nhuận. Ngoài dịp Tết, vào các ngày lễ lớn, giá cua biển thường tăng mạnh vì nhu cầu thị trường cao, sau đó dần hạ nhiệt.
Thương lái Nguyễn Văn Lượm nhận xét: "Mô hình nuôi cua biển kết hợp trong vuông tôm đã mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định, giúp không ít gia đình vươn lên làm giàu. Hơn một năm qua, vào thời điểm giá cua giảm mạnh thì cua gạch vẫn được thương lái đến tận vuông thu mua hơn 400.000 đồng/kg, cua y nhất (cua đực loại từ 300 g/con) trên 250.000 đồng/kg".

Cua Cà Mau được giới thiệu tại nhiều sự kiện ở địa phương
Kỳ vọng "cú hích"
Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ I đã được tổ chức năm 2022. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đánh giá: "Không chỉ mang lại lợi ích cho các hộ nuôi do thị trường được mở rộng, nhiều liên kết hợp tác được thực hiện, Ngày hội Cua Cà Mau còn góp phần phát triển du lịch địa phương. Du lịch Cà Mau được du khách biết đến nhiều hơn; các món ăn chế biến từ cua Cà Mau cũng được nhiều người thưởng thức và ưa chuộng hơn khi đặt chân đến vùng đất cực Nam của Tổ quốc".
Tiếp nối thành công của Ngày hội Cua lần thứ I, năm nay, tỉnh Cà Mau tiếp tục tổ chức Ngày hội Cua lần thứ II với nhiều hoạt động phong phú, như: trưng bày triển lãm thương mại ngành cua; giới thiệu ẩm thực, chế biến cua biển; cuộc thi "Vua đầu bếp cua"… Bên cạnh đó, Cà Mau còn tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; diễn đàn kết nối khởi nghiệp; hội thảo "Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới".
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cua nuôi ở địa phương này được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn do thương hiệu và chất lượng đã được thừa nhận. Vì vậy, ngoài việc khẳng định giá trị của ngành hàng này, Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II còn là dịp để địa phương quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, du lịch, đầu tư và triển vọng phát triển bền vững.
Ngày hội Cua Cà Mau còn được kỳ vọng góp phần nâng cao thương hiệu, văn hóa ẩm thực và tầm quan trọng của ngành cua trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo không gian văn hóa ẩm thực hấp dẫn để giới thiệu, phục vụ du khách trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… sẽ có dịp gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu hình ảnh du lịch, sản phẩm, món ăn đặc sắc và quảng bá thương hiệu của mình với du khách.
"Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước kết nối, hợp tác nhằm xây dựng, hoàn chỉnh chuỗi giá trị sản phẩm ngành cua, từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm, chế biến và phân phối, tiêu thụ cũng như xây dựng sản phẩm OCOP từ cua. Qua đó, nâng cao thương hiệu cua Cà Mau và năng lực cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho người dân" - ông Nguyễn Quốc Thanh nhấn mạnh.

Thương hiệu và chất lượng cua Cà Mau đã được khẳng định trên thị trường
Ngành hàng chủ lực
Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay, Cà Mau có tổng cộng 250.000 ha nuôi cua xen canh. Cua Cà Mau được xác định là một trong những ngành hàng chủ lực của địa phương - chỉ đứng sau tôm, mỗi năm mang về nguồn thu hơn 10.000 tỉ đồng.
Cua Cà Mau đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ sở pháp lý để địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát, quảng bá thương hiệu nhằm góp phần nâng cao giá trị đặc sản này và tăng thu nhập cho hộ nuôi.

Bình luận (0)