Bên cạnh hàng loạt yếu tố khác như chính sách học bổng, sự hỗ trợ linh hoạt... cũng được chú ý.
Năm học 2023-2024, khoảng 22.000 sinh viên nước ngoài theo học tại Việt Nam - thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020, nước ta phải thu hút khoảng 66.000 sinh viên quốc tế.
Chủ yếu học ngôn ngữ, văn hóa
Tại hội thảo "Thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và làm việc tại TP HCM" do Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM và Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sáng 5-12, PGS-TS Lại Quốc Đạt, Trưởng Phòng Quan hệ đối ngoại - Trường ĐH Bách khoa, cho biết sinh viên nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu học bậc ĐH. Số sinh viên theo học chương trình sau ĐH không nhiều.
Ở hệ đào tạo dài hạn, sinh viên đến từ Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore học theo diện hiệp định thỏa thuận song phương. Đa phần sinh viên nước ngoài học về ngôn ngữ, văn hóa, chính trị… Ở hệ ngắn hạn, chủ yếu sinh viên nước ngoài đến học tại Việt Nam theo diện trao đổi, giao lưu văn hóa…
Theo PGS-TS Lại Quốc Đạt, trong tổng số sinh viên đang học tại các trường ĐH Việt Nam, người nước ngoài chỉ chiếm khoảng 0,5% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% vào năm 2020.
Thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế đến Việt Nam nằm trong chiến lược quốc tế hóa giáo dục ĐH Việt Nam. Quốc tế hóa đem lại nhiều lợi ích cho các trường ĐH, trước hết là góp phần nâng cao thứ hạng trên các bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Xếp hạng quốc tế được nâng cao chính là một tiêu chí để các trường ĐH Việt Nam thu hút sinh viên từ nhiều quốc gia.
TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp - Trường ĐH Bách khoa, cho rằng thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam gặp thách thức lớn. Sinh viên quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ Lào, Campuchia; số khác đến học văn hóa, ngôn ngữ là chính. Nếu không có học bổng thì khó nâng số lượng này.
Tạo môi trường thuận lợi
TP HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. TP HCM là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vị trí quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước. Trong chiến lược phát triển, TP HCM cần sự đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có lực lượng sinh viên, giảng viên nước ngoài.
TS Dương Như Hùng nêu ý kiến: "Trước tiên, cần thu hút sinh viên học hệ ngắn hạn. Khi số lượng đông lên thì cùng với quá trình đó, xây dựng bộ máy, thu thập kinh nghiệm, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút sinh viên học hệ dài hạn". Theo ông, với những sinh viên đến Việt Nam theo diện giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên thì có thể nâng số lượng được. Trong ngắn hạn, cần tạo môi trường phù hợp để họ vừa học vừa trải nghiệm văn hóa.
Theo TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, để thu hút sinh viên, giảng viên nước ngoài đến học tập và làm việc, TP HCM cần đầu tư, nâng cấp hệ thống giáo dục ở mọi phương diện. Khi có hệ thống giáo dục tốt, được thế giới công nhận (kiểm định) thì mới có thể thu hút sinh viên nước ngoài đến học. Ngoài ra, sinh viên quốc tế đến Việt Nam không chỉ để học mà còn cần môi trường an toàn… Nếu tạo ra được môi trường thuận lợi, sinh viên quốc tế khi học xong có thể ở lại Việt Nam làm việc.
Trong khi đó, bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc Chương trình Giáo dục - Hội đồng Anh, cho rằng để Việt Nam trở thành trung tâm sinh viên quốc tế, các trường ĐH cần tạo môi trường thuận lợi cho "tính di động" của sinh viên nước ngoài và quốc tế hóa toàn diện ở cấp độ vĩ mô. Ngoài ra, cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc hình thành trung tâm sinh viên quốc tế thông qua các chính sách liên quan việc thu hút người học; tăng cường chương trình liên kết; tăng số lượng các cơ sở nước ngoài tại Việt Nam; tạo môi trường đầu tư giáo dục thuận lợi…
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng để thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế, nhà nước cần có các chính sách về tài chính, hạ tầng hỗ trợ các trường ĐH. Những chương trình nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo cần có sự tham gia của sinh viên nước ngoài, bên cạnh việc cấp học bổng. Thủ tục cấp visa, giấy phép lao động cần linh hoạt hơn. Cần có trung tâm hỗ trợ sinh viên nước ngoài và tạo việc làm phù hợp cho họ sau khi tốt nghiệp...
Bình luận (0)