Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, đã đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức này vẫn tương đối thấp.
Nâng là phù hợp
Theo Bộ Tài chính, từ khi Luật Thuế GTGT sửa đổi năm 2013, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2008 có hiệu lực cho đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều. Việc điều chỉnh mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh cho phù hợp với mức biến động của giá cả là cần thiết.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc tăng ngưỡng doanh thu chịu thuế như đề xuất nêu trên của các cá nhân, hộ kinh doanh, không phát sinh chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và minh bạch trong quản lý thuế.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng quy định mức doanh thu 100 triệu đồng/năm đối với cá nhân, hộ kinh doanh đến nay đã lạc hậu, trong bối cảnh các chỉ tiêu về kinh tế, nhất là chỉ số giá tiêu dùng, đã thay đổi nhiều. Chính vì vậy, để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm công bằng cho các hộ kinh doanh, việc xem xét nâng mức doanh thu chịu thuế là việc cần thiết. Bộ Giao thông Vận tải đề xuất ngưỡng chịu thuế GTGT ở mức 250 triệu đồng. Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đề xuất ngưỡng chịu thuế từ 180 triệu đến 240 triệu đồng. Theo VTCA, mức chuẩn thu nhập với hộ nghèo ở nông thôn hiện là 1,5 triệu đồng/người/tháng, với thành phố là 2 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, người có thu nhập một năm 18 triệu đồng là "nghèo và cận nghèo".
Theo VTCA, nếu dựa vào biểu thuế tính thuế GTGT, giả sử với ngành nghề kinh doanh thương mại có tỉ lệ thuế là 10%, sẽ tính ra được con số thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Tức là sau một quá trình kinh doanh thu về 100 triệu đồng, phần giá trị tăng thêm là 10 triệu đồng.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 - 200 triệu đồng/năm đối với hộ, cá nhân kinh doanh. "Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp" - VCCI nêu rõ.
Nâng ngưỡng chịu thuế sẽ tạo động lực
Góp ý với cơ quan soạn thảo, Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đề xuất ngưỡng doanh thu được miễn thuế từ 150 triệu lên 180 triệu đồng hoặc nên quy định mở và giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính linh hoạt và bám sát thực tế.
Đồng tình, luật sư Bùi Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng các điều chỉnh về chính sách thuế để phù hợp thực tiễn là rất cần thiết, đồng thời cũng là giải pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cũng nhìn nhận khi ngưỡng chịu thuế được nâng lên cao hơn sẽ tạo động lực cho các hộ kinh doanh, cá nhân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng nguồn thu tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản ký kinh tế Trung ương, cho rằng mức 150 triệu đồng/năm như đề xuất của Bộ Tài chính vẫn thấp. Vì trong bối cảnh hiện nay, các hộ kinh doanh cũng phải đầu tư cho hoạt động kinh doanh rất lớn như bán hàng qua mạng, chi phí giao hàng, mặt bằng. Do đó, nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế là phù hợp để khuyến khích, tạo động lực cho hộ kinh doanh.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng nên xem xét mức 200 triệu đồng/năm như một số ý kiến đề xuất.
Lo ảnh hưởng thu ngân sách
Theo Bộ Tài chính, đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT với cá nhân, hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 đồng/năm là "căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế". Việc nâng mức giảm thuế đối với hộ kinh doanh lên 180 triệu đồng như một số đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp.
Bên cạnh đó, quy định này sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp cứ phát sinh doanh thu thì phải nộp thuế GTGT.
Bình luận (0)