Nắng nóng trên cả nước đang diễn ra khốc liệt, nhiều nơi vượt 42 - 43 độ C, đặc biệt ở Quảng Trị là 44 độ C, tiệm cận mức nhiệt độ cao nhất từng đo được ở nước ta.
Làm sao phòng say nắng, sốc nhiệt là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh -Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) - đã có buổi trao đổi với Báo Người Lao Động trưa 29-4.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM)
* Phóng viên: Vừa qua đã có nhiều trường hợp phải nhập viện vì say nắng, sốc nhiệt, đe dọa tính mạng. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân do đâu và nguy cơ với những đối tượng nào?
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nắng nóng kéo dài sẽ có nguy cơ sốc nhiệt. Nguyên nhân là do nhiệt độ bên ngoài cao hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể.
Đáng chú ý, những đối tượng nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người lớn tuổi, trẻ em, vận động viên thể thao, người phải lao động quá lâu ngoài trời dưới nền nắng gắt không có bóng râm.
* Sốc nhiệt có những dấu hiệu nào và cách phòng ngừa ra sao, thưa bác sĩ?
- Dấu hiệu sốc nhiệt có nhiều mức độ khác nhau, như mặt đỏ bừng, mệt mỏi, khó thở, ngực nóng ran, ngất xỉu… Sốc nhiệt lâu, thiếu nước có thể phải nhập viện.
Khi gặp người có những dấu hiệu sốc nhiệt thì cần xử trí ban đầu bằng cách đưa người bị sốc nhiệt vào bóng râm, khu vực mát mẻ, cho uống nước từ từ. Nếu người bệnh có dấu hiệu lơ mơ, mất trí giác, hôn mê thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu.
Để phòng ngừa sốc nhiệt, bình thường cần phải uống đủ nước; riêng với những trường hợp buộc phải làm việc ngoài trời thì cần tiếp đủ nước, có thời gian nghỉ ngơi trong bóng râm. Nước uống có thể uống nước lọc thông thường, nước ép trái cây.
Lưu ý, hạn chế uống nước ngọt không tốt cho sức khỏe.
Bình luận (0)