Nhận tất cả mọi lời khen tặng sau khi giành quyền góp mặt ở các sân chơi cao nhất, bóng chuyền nữ và bóng đá nữ Việt Nam liệu có khả năng tái lập chiến tích ấy trong thời gian sớm nhất hay không lại là câu hỏi không dễ có lời đáp.
Bóng chuyền nữ: Chờ gì ở năm 2024?
Tham dự đấu trường quốc tế mọi cấp độ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bóng chuyền nữ Việt Nam tạo dấu ấn lớn nhất trong lịch sử phát triển của mình.
Khởi đầu bằng việc tham dự AVC Cup cũng như AVC Challenge Cup và đều giành được ngôi vô địch với phiên hiệu Sport Center 1, tuyển Việt Nam sau đó góp mặt tại SEA Games 32, hai chặng SEA V-League, FIVB Challenger Cup, ASIAD 19 rồi khép lại một năm đầy thăng hoa bằng việc giành suất tham dự Cúp bóng chuyền các câu lạc bộ nữ thế giới.
Tham dự tổng cộng 9 giải đấu mà thành công nhất là vị trí thứ 4 chung cuộc ở cả Giải vô địch châu Á 2023 lẫn Asian Games 19, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã tiến những bước rất dài về thành tích chuyên môn.
Trình độ các tuyển thủ Việt Nam được nâng lên rõ rệt, nhất là qua những màn ngược dòng lịch sử trước Hàn Quốc, hay so kè quyết liệt cùng các "chị đại" Nhật Bản, Trung Quốc ở cả hai giải đấu lớn kể trên.
Một bầu không khí lạc quan tràn ngập các diễn đàn bóng chuyền Việt Nam lẫn trong tâm tư người hâm mộ bóng chuyền. Thế nhưng không thể phủ nhận, không dễ để tập thể các cô gái chân dài Việt Nam tái hiện chiến tích tương tự, nhất là trong năm 2024.
Theo Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) Lê Trí Trường, kết quả thi đấu của bóng chuyền nữ năm 2023 phản ánh chân thực sự tập trung cao độ về công tác chuyên môn, trong đó bao gồm cả việc ổn định về lực lượng VĐV lẫn ban huấn luyện đội tuyển.
Từ những kết quả gặt hái được, VFV mạnh dạn đưa ra kế hoạch và mục tiêu dài hơi, chính là cạnh tranh sòng phẳng với bóng chuyền nữ Thái Lan ở sân chơi SEA Games đồng thời quyết tâm duy trì vị trí trong Top 5 châu lục.
Một chiến lược dài hạn, dự kiến kéo dài từ 3 -5 năm để có được sự định hình chuyên môn, đấu pháp cụ thể và cả nhân sự cụ thể, tạo nền tảng và đà tiến cho việc hoàn thành các mục tiêu đề ra.
HLV Nguyễn Tuấn Kiệt khẳng định, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ tiếp tục được xây dựng trên tinh thần tập thể, không dựa vào bất cứ nhân tố nào và sẵn sàng tăng cường những gương mặt mới tích cực và có năng lực.
Đội tuyển bóng chuyền nữ sẽ hội quân trong tháng 5-2024 sau màn trình diễn ở giai đoạn 1 Giải vô địch quốc gia. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và ngành TDTT sẽ phải cân đối tần suất tham dự các giải đấu quốc tế và đặt ra lộ trình phù hợp cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Bóng đá nữ: Cần xung lực mới
2023 là năm đáng nhớ của bóng đá nữ Việt Nam với đầy đủ các cảm xúc vui, buồn, tiếc nuối, hạnh phúc… giai đoạn bản lề để nhìn lại và hướng đến những mục tiêu mới.
Giành chức vô địch SEA Games 32 hồi tháng 5-2023, bóng đá nữ Việt Nam khẳng định vị thế "nữ hoàng" Đông Nam Á với 4 lần liên tiếp đăng quang ở đấu trường khu vực và lần thứ 7 chạm tay đến kỳ tích này.
Không dừng ở đó, chỉ vài tuần lễ sau, Huỳnh Như và đồng đội lần đầu tiên góp mặt tại vòng chung kết World Cup 2023 trong sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ Việt Nam.
Với một nền bóng đá chỉ có khoảng hơn 200 cầu thủ chuyên nghiệp kèm theo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, lương thưởng còn rất thấp, việc đội tuyển Việt Nam giành quyền tham dự những ngày hội lớn nhất hành tinh của bóng đá nữ đáng được xem là một kỳ tích.
Do vậy, việc đội thua cả ba trận ở World Cup 2023 trước đương kim vô địch Mỹ, đương kim á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha là kết quả đã được báo trước, mang lại cơ hội học hỏi, cọ xát để chuẩn bị cho tương lai.
Tại Asian Games 19, đội tuyển nữ Việt Nam không thể vượt qua cựu vô địch World Cup Nhật Bản ở vòng bảng, không đạt được mục tiêu vào tứ kết.
Kết cục tương tự cũng được nhìn thấy tại vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á khi tuyển nữ Việt Nam không thể cạnh tranh sòng phẳng với Nhật Bản, Uzbekistan để giành ngôi nhì bảng.
Tuyển Việt Nam sau nhiều năm thống trị đấu trường Đông Nam Á, nay có phần lép vế trước một Philippines tích cực kêu gọi dàn cầu thủ đang thi đấu trên khắp thế giới trở về đóng góp cho quê nhà.
Xét trên phương diện thành tích, Philippines đã hoàn toàn lấn lướt tuyển Việt Nam khi giành chức vô địch Đông Nam Á 2022, dự World Cup 2023 và giành được một chiến thắng. Nói không ngoa, chính Philippines trong tương lai gần mới là đối thủ nguy hiểm nhất đe dọa ngôi "nữ hoàng" Đông Nam Á của bóng đá nữ Việt Nam.
Ở cấp độ châu lục, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn nữa khi bóng đá nữ nhiều khu vực đã bắt đầu "thức tỉnh".
Cộng thêm sự tái xuất của tuyển CHDCND Triều Tiên, đội giành ngôi á quân Asian Games 19 và vào đến bán kết vòng loại Olympic, rõ ràng cơ hội cho các đội bóng như Việt Nam hay Philippines sẽ hẹp lại rất nhiều.
Bóng đá nữ Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Nếu làm tốt khâu tổ chức sân chơi từ cấp học đường cũng như xã hội hóa các CLB bóng đá nữ, chắc chắn nguồn cung sẽ rất dồi dào, nhiều tài năng sẽ được phát hiện để đóng góp cho đội tuyển thay vì cảnh khan hiếm như hiện nay.
Mô hình bóng đá nữ mà Philippines đang làm cũng là gợi ý hay cho các nhà quản lý bóng đá Việt Nam. Tại SEA Games 32, hai chị em song sinh Việt kiều Trương Thảo Vy - Trương Thảo My góp phần quan trọng giúp đội tuyển Việt Nam giành huy chương vàng bóng rổ chính là ví dụ sinh động nhất về việc huy động nhân tài, chất xám từ nước ngoài trở về quê hương.
Bình luận (0)