xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nâng tầm xuất khẩu lao động (*): Những thị trường trọng điểm

Bài và ảnh: GIANG NAM

Các thị trường truyền thống đang thu hút người Việt Nam ra nước ngoài làm việc là tín hiệu đưa hợp tác về lao động lên tầm cao mới

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn hơn 1,426 triệu người. Hoạt động này tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn.

Điểm sáng hợp tác

Qua biểu đồ, chúng ta thấy khu vực Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là thị trường trọng điểm xuất khẩu lao động của Việt Nam. Tính từ năm 2018 đến nay, thị trường này luôn tiếp nhận 89% - 95% tổng số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc hằng năm. Cụ thể, các năm 2018, 2019, 2020 và 2022 những thị trường này tiếp nhận 95% số lượng lao động Việt Nam, chỉ 11 tháng của năm 2023 cũng đã có 94% người lao động (NLĐ) chọn khu vực Đông Bắc Á làm điểm đến để làm việc.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, Đông Bắc Á là thị trường có nhiều đặc điểm phù hợp và hấp dẫn lao động Việt Nam. Đầu tiên có thể nói đến những ngành nghề thị trường này đang có nhu cầu tuyển dụng lớn như: sản xuất, chế tạo, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp, thuyền viên... Những công việc này NLĐ Việt Nam có kinh nghiệm, tay nghề và kỹ năng để hoàn thành tốt công việc. Khoảng cách địa lý gần, cùng nét tương đồng văn hóa cũng là những yếu tố thu hút lao động nước ta tại khu vực Đông Bắc Á.

Nâng tầm xuất khẩu lao động (*): Những thị trường trọng điểm- Ảnh 1.

Phái cử lao động qua đào tạo cơ bản để xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao

Đáng chú ý, đây là những quốc gia và vùng lãnh thổ có mối quan hệ ngoại giao hữu hảo, đầu tư vào Việt Nam rất lớn trong hàng chục năm qua. Đặc biệt, phần lớn NLĐ chọn thị trường Đông Bắc Á khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, tin tưởng của các nghiệp đoàn, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Điều đó cũng cho thấy NLĐ Việt Nam rất an tâm khi chọn thị trường này để làm việc, cải thiện cuộc sống và xây dựng sự nghiệp.

Trong các chuyến thăm, làm việc gần đây tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung luôn nhấn mạnh hợp tác lao động, việc làm là điểm sáng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và hai nước. "Hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian tới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, theo hướng không chỉ tăng trưởng về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng. Khi lao động trở về nước, ngoài có tiền, còn có nhận thức mới, đó mới là điều đáng quý hơn cả" - Bộ trưởng nói.

Các DN tại thị trường này đều đánh giá rất cao hợp tác lao động với Việt Nam và khẳng định nguồn nhân lực của Việt Nam là không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của họ. Ông Himeno Masaki, Chủ tịch Công ty Keio-Denka Kogyo (Nhật Bản), cho biết số lượng NLĐ Việt Nam luôn chiếm ưu thế tại DN của ông. So với NLĐ các quốc gia khác, lao động Việt Nam làm việc chăm chỉ, thích nghi nhanh, năng lực cũng ưu tú và nổi trội hơn. "Điều quan trọng giúp NLĐ Việt Nam thành công hơn khi đến Nhật Bản làm việc đó là được định hướng sự nghiệp và đào tạo bài bản. Vì thế, hãy nỗ lực học tốt tiếng Nhật, chú ý học hỏi những kỹ thuật, thiết bị tiến bộ của Nhật Bản để có thể phát huy sau này" - ông Himeno Masaki nhắn nhủ.

Vươn tầm cao mới

Tính đến thời điểm hiện tại, người Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở Nhật Bản (khoảng 500.000 người). Lực lượng lao động Việt Nam tại đây phát triển khá nhanh với hơn 350.000 lao động đang làm việc. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản vào trung tuần tháng 12 vừa qua, hai nước đã chính thức quyết định tổ chức thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Mốc thời gian Bộ LĐ-TB-XH dự kiến đưa ra là đầu năm 2024.

Nâng tầm xuất khẩu lao động (*): Những thị trường trọng điểm- Ảnh 2.

Đồ họa: ANH THANH

Đây là tin vui cho hàng ngàn lao động đang có kế hoạch trở lại nước Nhật làm việc với tư cách lao động mới. Chưa hết, mới đây Ủy ban Chuyên gia của chính phủ Nhật Bản đã trình lên Bộ Tư pháp nước này báo cáo cuối cùng đánh giá và xây dựng lại chương trình thực tập sinh kỹ năng nước ngoài, đồng thời khuyến nghị về một hệ thống được thiết kế mới, tạm gọi là "Hệ thống đào tạo và việc làm".

Theo đó, các chuyên gia Nhật Bản ủng hộ một hệ thống mới bảo đảm và phát triển nguồn nhân lực nước ngoài, tập trung vào 3 quan điểm gồm bảo vệ quyền, thăng tiến nghề nghiệp cho người nước ngoài và một xã hội an toàn, bảo đảm và bao trùm. Hệ thống mới sẽ cho phép thực tập sinh sau 3 năm làm việc nếu có đủ chuyên môn để đăng ký vào hệ thống công nhân lành nghề và có thể được cư trú lâu dài tại Nhật Bản.

Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, bên cạnh kênh chủ yếu là Chương trình EPS (visa E-9) thì các chương trình lao động thuyền viên (visa E-10), lao động có chuyên môn kỹ thuật cao (visa E-7), lao động thời vụ trong nông nghiệp (visa E-8 và C-4) cũng được hai bên triển khai có hiệu quả. Trong 3 năm gần đây, Hàn Quốc đã tăng thị thực E-9 từ 52.000 người vào năm 2021 lên 69.000 người vào năm 2022 và năm 2023 lên 120.000 lao động. Điều đó cho thấy nền kinh tế tốp 10 thế giới này đang thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp nhận 165.000 lao động nhập cư vào năm 2024 theo thị thực E-9 diện lao động phổ thông để bổ sung cho các ngành đang thiếu nhân lực. Nước này cũng sẽ bổ sung lĩnh vực nhà hàng, khai thác mỏ và lâm nghiệp với thị thực E-9. Thêm một ưu đãi quan trọng nữa mà Hàn Quốc dành cho NLĐ nước ngoài có tay nghề cao trong lĩnh vực sản xuất chế tạo là sẽ được ở lại Hàn Quốc tới 10 năm mà không cần làm thủ tục xuất cảnh rồi quay trở lại.

Thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy lãnh thổ này đã quyết định tăng lương cơ bản cho NLĐ kể từ ngày 1-1-2024. Theo đó, mức lương của NLĐ nước ngoài tại Đài Loan từ đầu năm 2024 là 27.470 đài tệ/tháng (tương đương 21,4 triệu đồng), tăng hơn 4% so với mức hiện hành. Đây là năm thứ 8 liên tiếp hòn đảo này điều chỉnh mức lương cơ bản để hỗ trợ NLĐ trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng liên tục, đồng thời hỗ trợ các DN thiếu nhân công tuyển được lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích bối cảnh Việt Nam hiện nay, nguồn lao động trong nước không còn dồi dào, DN Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn về nhân lực. Vì thế, định hướng hợp tác về lao động phải lên tầm cao mới, chuyển sang chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. "Đã đến lúc Việt Nam cần giảm mạnh việc đưa lao động không có tay nghề, kỹ năng hoặc có trình độ thấp đi làm việc ở nước ngoài" - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

7 doanh nghiệp được phép đưa lao động sang Hy Lạp

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, thuộc Bộ LĐ-TB-XH) vừa chấp thuận cho Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Thái Việt (THAVICOM) được chuẩn bị nguồn để cung ứng lao động đi làm việc tại Hy Lạp, nâng số DN được chấp thuận khai thác thị trường này lên 7. Trước đó, 6 DN đủ điều kiện đã được Dolab chấp thuận, gồm: Công ty CP Hợp tác Nhân lực quốc tế Vinaco (tỉnh Thanh Hóa); Công ty CP Nhân lực Thương mại quốc tế SNG, Công ty CP Nhân lực Quốc tế Đông Dương, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Cung ứng nhân lực CIP.CO, Công ty CP Đầu tư và Phát triển thương mại BBC Group, Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng (cùng TP Hà Nội).

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo