Bận rộn việc học và làm thêm cả năm nên Nguyễn Hoàng Phúc (21 tuổi, sinh viên tại TP HCM) ít có dịp về thăm nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh đang mong chờ Tết Nguyên đán để về với gia đình hơn bao giờ hết.
Lên kế hoạch đón xuân trọn vẹn
Nhiều năm nay, Phúc có thói quen lập ra kế hoạch chào năm mới với tên gọi hẳn hoi là "Đón Tết trọn vẹn", nêu chi tiết những việc cần làm. Tiết kiệm một khoản tiền nhỏ là ưu tiên hàng đầu của anh.
"Mọi năm, vào khoảng tháng 10, tôi đã bắt đầu dành dụm để chi tiêu Tết. Dù còn đi học nhưng tôi có thu nhập từ công việc freelance (làm việc tự do) nên không chỉ mua sắm cho bản thân, tôi còn chuẩn bị một chậu cây tặng cha mẹ ngày Tết. Món quà không lớn nhưng tôi nghĩ cha mẹ sẽ rất vui khi biết nó được mua từ đồng tiền do con mình làm được" - Phúc bày tỏ.
Dù chưa đến Tết nhưng chỉ cần nhắc đến, Phúc đã có thể tưởng tượng ra khung cảnh ấm áp, hạnh phúc ở nhà. Anh dự định cùng bố mẹ đi chợ hoa ở quê và vào bếp soạn mâm cỗ. Đi thăm thầy cô, gặp gỡ bạn bè cũng là phần việc Phúc đã đề ra. Để bảo đảm kế hoạch, anh cũng vạch ra những công việc cá nhân và bài vở cần hoàn thiện sớm.
Lê Hằng Nga (22 tuổi, quê Phú Thọ) thì đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng công việc hiện tại để không phải vừa ăn Tết vừa làm việc. Cô đã đặt được vé để về quê ăn Tết.
Với Nguyễn Thị Thiên Ngân (20 tuổi, quê Ninh Thuận), giai đoạn này đang là cao điểm của việc học và sinh hoạt câu lạc bộ ở trường. Song, cô cũng tranh thủ sắm sửa nhiều thứ cho Tết qua các sàn thương mại điện tử.
Ấp ủ nhiều hoạt động thú vị
Mỗi năm, Thiên Ngân chỉ về thăm gia đình vào dịp Tết nên cảm xúc và ký ức về những ngày giao hòa giữa năm cũ với năm mới để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, khó phai trong cô.
"Lúc nhỏ, tôi được quây quần gói bánh chưng, bánh tét với cả nhà rồi ngồi canh nồi bánh với anh chị; được rôm rả dọn dẹp nhà cửa; được chúc Tết vào mùng 1 khi cả nhà sum vầy... Mỗi năm tôi đều mong muốn những khoảnh khắc đó quay về, vì với tôi như vậy mới là Tết, mới thấy mình có được năng lượng tích cực" - Thiên Ngân tâm sự.
Ngày Tết với mỗi thế hệ là một góc nhìn khác nhau. Với một số bạn gen Z, họ vẫn mong tìm về những giá trị truyền thống, song song đó luôn tìm cách để làm mới ngày Tết cổ truyền. Thiên Ngân và bạn bè đang ấp ủ những hoạt động thú vị vào dịp này. Sau khi đã dành thời gian cho gia đình những ngày đầu năm mới, nhóm cô sẽ trải nghiệm, khám phá cái Tết ở địa phương khác.
Đi du lịch cũng nằm trong mục tiêu của Nguyễn Hoàng Phúc. Anh tin rằng đó là cách để nạp nguồn năng lượng tích cực cho năm mới. "Năm nay, tôi dự định sẽ cùng người thân đi du lịch Đà Lạt ngày đầu xuân" - anh tiết lộ.
Ngày Tết với bạn trẻ còn có thêm nhiều niềm vui rộng mở nhờ không gian số. Những năm gần đây, Phúc hay tìm tòi tham gia các thử thách ngày Tết vui nhộn và chia sẻ trên mạng xã hội...
Mỗi người một cách nhưng ai cũng có chung niềm tin: Một năm đầy nỗ lực sẽ khép lại với chuỗi ngày đong đầy hạnh phúc bên gia đình, bạn bè để đón một năm mới tràn đầy năng lượng tích cực.
Thời điểm này, nhiều bạn trẻ học tập, làm việc tại TP HCM đã hoàn tất việc đặt mua vé tàu, xe để về quê dịp Tết Nguyên đán. Hoàng Hán Ngọc (27 tuổi, quê Kon Tum) cho biết cô đã mua vé từ một tháng trước và chọn về quê sớm hơn để tránh ùn tắc cũng như được ở bên gia đình lâu hơn.
Do nhu cầu đi lại tăng cao, một số nhà xe ở TP HCM đã dự kiến tăng cường phương tiện để phục vụ hành khách dịp Tết.
Bình luận (0)