Theo Live Science, "ngọn hải đăng vũ trụ" đang chiếu vào Trái Đất được phát hiện bởi Đài quan sát tia X Chandra của NASA và siêu kính viễn vọng James Webb do cơ quan này phát triển và điều hành cùng các đối tác châu Âu, Canada.
Tinh vân Con Cua là phần còn lại của một ngôi sao khổng lồ. Vào năm 1054, nhân loại đã thấy nó rực sáng - là cú phát nổ cuối đời, gọi là siêu tân tinh.
Thứ phát sáng như hải đăng chính là "thây ma" của ngôi sao đã tan tác 1.000 năm trước đó.
Đó là thứ được gọi là sao neutron, một vật thể nhỏ gọn nhưng dày đặc và mang năng lượng cực cao, do lõi của ngôi sao cũ sụp đổ mà thành.
Dữ liệu mới nhất từ Chandra cho thấy phần lõi sao "thây ma" này đang thay đổi đáng kể theo thời gian.
Nó là một loại sao neutron cực đoan, mạnh hơn sao neutron thông thường rất nhiều, gọi là sao xung.
Con quái vật này quay với tốc độ khoảng 30 lần mỗi giây, phát ra một chùm bức xạ siêu mạnh trong mỗi lần quay.
Các chùm bức xạ phát sáng thành một ngọn roi quét vòng khắp vũ trụ, giống như cách các ngọn hải đăng chiếu sáng, rực rỡ trong tầm mắt các kính thiên văn dẫu thế giới của chúng ta cách Tinh vân Con Cua tận 6.500 năm ánh sáng.
NASA cho biết họ đang có kế hoạch thu thập dữ liệu chi tiết hơn về ngôi sao xung đang thay đổi này, thứ có thể cung cấp dữ liệu hiếm có về quá trình tiến hóa cuối cùng của một vật thể sao.
Bình luận (0)