Theo NASA, hóa thạch vũ trụ được nhắc đến chính là thiên hà lùn Tucana, nằm cách Trái Đất 3 triệu năm ánh sáng. Những quan sát mới của kính viễn vọng không gian Hubble đã tiết lộ bản chất thú vị của nó.
Đó là một thiên hà nằm ở rìa của Cụm Địa phương, một nhóm thiên hà bao gồm Milky Way (Ngân Hà, là thiên hà chứa Trái Đất), Tiên Nữ, Tam Giác, NGC 300, NGC 55, NGC 404...
Góc nhìn mới của Hubble về Tucana thể hiện hàng tỉ ngôi sao lấp lánh, nhưng khá mờ so với độ sáng bình thường của các ngôi sao trong các thiên hà khác.
Độ mờ này chính là do tuổi của các ngôi sao: Theo NASA, chúng có thể chính là dấu vết của vũ trụ sơ khai, thuộc về các thế hệ sao đầu tiên hậu Big Bang.
Điều này khiến Tucana được xếp vào loại thiên hà lùn hình cầu, vốn nhỏ, độ sáng thấp, rất ít bụi và sở hữu quần thể sao già.
NASA cho biết Tucana thậm chí còn mờ hơn các thiên hà lùn hình cầu khác, cho thấy những thứ mà nó sở hữu đã rất cổ xưa.
"Những đặc tính nguyên sơ như vậy cho phép các nhà khoa học sử dụng Sao lùn Tucana như một hóa thạch vũ trụ" - các quan chức NASA cho biết trong một văn bản được Space.com trích dẫn.
Tucana nằm cách tâm khối lượng của Cụm Địa phương khoảng 3,6 triệu năm ánh sáng, khá xa Ngân Hà và các thiên hà khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng ban đầu nó nằm khá gần chúng ta, nhưng đã thay đổi vị trí sau một cuộc chạm trán với thiên hà Tiên Nữ, vốn rất khổng lồ và là láng giềng của Ngân Hà.
Vụ chạm trán giữa Tiên Nữ và Tucana xảy ra cách đây khoảng 11 tỉ năm, khiến thiên hà lùn bé nhỏ bị văng xa theo nghĩa đen.
Thế nhưng, chính vì bị văng đi, nó đã giữ được trạng thái biệt lập và không bị hợp nhất với các thiên hà khác trong quá trình phát triển. Do vậy, nó có thể cung cấp một mảnh ghép quan trọng, nguyên sơ về những gì cấu thành các thiên hà ngày nay.
"Các thiên hà lùn có thể là thành phần ban đầu cho các thiên hà lớn hơn và việc phân tích chúng có thể giúp truy tìm sự hình thành thiên hà, quay ngược trở lại thời kỳ đầu của thời gian" - NASA giải thích.
Bình luận (0)