Với lượng hóa thạch khủng long được tìm thấy trên thế giới ngày một tăng, trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, phần lớn các nhà khoa học ủng hộ lập luận cho rằng "thời đại quái vật" đã tự suy tàn vào cuối kỷ Phấn Trắng.
Tiểu hành tinh Chicxulub - "thiên thạch giết khủng long" - được cho là chỉ dọn dẹp những gì còn lại, khiến cho cái kết cuối cùng đến nhanh hơn.
Nhưng nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Chris Dean từ University College London (UCL - Anh) đã đưa ra một kịch bản khủng khiếp khác.

Khủng long và con người có thể đang phải đối đầu nhau nếu như không có tiểu hành tinh Chicxulub - Ảnh đồ họa: DISCOVER MAGAZINE
Theo như lý thuyết được chấp nhận rộng rãi nói trên, nếu không có Chicxulub, các loài khủng long và các họ hàng gần của nó - dực long, thương long, ngư long... - cũng sẽ tự suy giảm và biến mất dần khỏi địa cầu.
Để rồi, sau hàng triệu năm, động vật có vú sẽ dần chiếm lĩnh thế giới. Do vậy, nếu không có Chicxulub, thế giới ngày nay có thể vẫn y hệt như vậy.
Nhưng nghiên cứu mà TS Dean và các cộng sự vừa công bố trên tạp chí Current Biology đã phá vỡ yếu tố cốt lõi của kịch bản "khủng long có thể tự tuyệt chủng".
Theo Live Science, lý do người ta cho rằng khủng long cuối kỷ Phấn Trắng đã suy tàn đơn giản là do hồ sơ hóa thạch vài triệu năm cuối kỷ nguyên này đột ngột nghèo nàn đi.
Nhóm của TS Dean đã kiểm tra điều này bằng cách nghiên cứu hồ sơ của khoảng 8.000 hóa thạch từ Bắc Mỹ có niên đại từ tầng Campanian (83,6-72,1 triệu năm trước) và tầng Maastrichtian (72,1-66 triệu năm trước).
Đó là 2 tầng địa chất cuối cùng của thế của thế Phấn Trắng muộn, thế cuối cùng của kỷ Phấn Trắng.
Họ tập trung vào bốn họ khủng long: Ankylosauridae, Ceratopsidae, Hadrosauridae và Tyrannosauridae.
Dựa trên lượng hóa thạch thì sự đa dạng của khủng long đạt đỉnh vào khoảng 76 triệu năm trước, sau đó giảm dần cho đến khi vụ va chạm tiểu hành tinh xảy ra.
Xu hướng này thậm chí còn rõ rệt hơn vào 6 triệu năm trước khi xảy ra "tận thế".
Tuy nhiên, các tác giả lại không phát hiện điều kiện khả dĩ nào giải thích cho sự suy giảm này. Thời điểm đó, tất cả các họ khủng long đều phân bố rộng rãi và phổ biến, cho thấy nguy cơ tuyệt chủng thấp, trừ khi đối diện một sự kiện thảm khốc như va chạm tiểu hành tinh.
Ngoài ra, các tác giả cũng nhận thấy tầng Maastrichtian không có điều kiện địa chất tốt để hình thành và bảo quản hóa thạch như các thời kỳ trước.
Các sự kiện địa chất lớn như sự rút lui của đường biển nội địa Western Interior Seaway - từng chạy từ Vịnh Mexico lên qua Bắc Cực - cũng như sự trỗi dậy của dãy núi Rocky bắt đầu từ khoảng 75 triệu năm trước hoàn toàn có thể phá vỡ nhiều hóa thạch.
Vì vậy, họ kết luận rằng chúng ta tìm thấy ít hóa thạch cuối kỷ Phấn Trắng đơn giản là vì chúng đã bị hủy hoại.
Như vậy nếu Chicxulub không va chạm với Trái Đất, chúng ta có thể vẫn phải sống chung với loài khủng long.
Thậm chí, nếu các con quái vật này không tuyệt chủng, động vật có vú có thể không phát triển như ngày nay và cơ hội để chúng ta hiện diện trên địa cầu trong trạng thái như ngày nay cũng bị giảm đi khá nhiều.
Bình luận (0)