Chợ đêm Đà Lạt lộn xộn, nhếch nhác, có tình trạng tiểu thương lừa đảo, "chặt chém"... làm mất đi dáng vẻ hiền hòa, mến khách của thành phố du lịch nổi tiếng
Ngày 8-3, Trưởng Ban Quản lý chợ Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã lập biên bản và yêu cầu quán ăn Lệ Thủy ở chợ này tạm ngưng hoạt động, chờ cơ quan chức năng xử lý vì liên quan đến việc đánh du khách bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu.
Đánh du khách ngất xỉu
Khoảng 20 giờ ngày 6-3, tại chợ Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và chị họ là Do Saphia Thuy (quốc tịch Mỹ) đi cùng gia đình có 3 nữ, 1 nam và một cháu bé đến quán Lệ Thủy ăn cơm.
Du khách đông nghẹt tại chợ đêm Đà Lạt
Vào quán, cả nhóm gọi 4 đĩa cơm gà, 2 đĩa cơm sườn. Khi đồ ăn mang đến bàn, nhóm khách thấy cơm đã nguội. Gà trong đĩa cơm chị Do Saphia Thuy vẫn còn máu đỏ nên chị thắc mắc với nhân viên phục vụ. Lập tức, nhân viên này phản ứng. Nhóm khách tính tiền hết 220.000 đồng (cơm gà 40.000 đồng/đĩa, cơm sườn 30.000 đồng/đĩa).
Vừa ra khỏi quán, chị Vân chụp lại ảnh quán cơm Lệ Thủy bằng điện thoại. Lúc này, chủ quán phát hiện, gọi ngay người ra giật điện thoại để xóa hình, sau đó hai bên xảy ra xô xát. Lò Thiều Mai Trang (29 tuổi; ngụ phường 3, TP Đà Lạt; nhân viên quán) túm tóc chị Thuy, gí xuống đất và đá vào người chị. Một số người cũng hùa vào đấm, đá. Để tự vệ, du khách Cẩm Vân dùng gậy chụp hình đánh lại nhân viên quán.
Hậu quả vụ xô xát làm du khách Cẩm Vân bị trầy xước ở mặt, đau hàm, răng. Nữ Việt kiều Thuy ngất xỉu, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng điều trị. Đến 23 giờ cùng ngày, chị Thuy đã xuất viện với chẩn đoán bị chấn thương đầu...
Đây không phải lần đầu tiên việc xô xát diễn ra ở chợ Đà Lạt. Rạng sáng 15-3-2017, các trang mạng xã hội phát tán 1 đoạn video ghi lại cảnh hỗn chiến được cho là của những người bán hàng ở chợ đêm Đà Lạt. Nhiều người bất bình và cho biết hỗn chiến xảy ra là do tranh giành khách.
Cách đây 3 năm, tại chợ đêm Đà Lạt, do mâu thuẫn khi giành khách vào quán, Hồ Ngọc Nhân (16 tuổi) bị một "cò" của hàng quán bên cạnh dùng dao đâm thủng phổi, gục tại chỗ. Cũng tại chợ này, ngày 28-7-2013, trong lúc mua dâu tây, chị H.N.T (du khách đến từ Kiên Giang) bị người bán hàng rong Phạm Thị Hương (34 tuổi) đánh ngất xỉu.
Cần tổ chức lại
Trung tá Đỗ Ngọc Hòa - Trưởng Công an phường 1, TP Đà Lạt - cho biết với vụ việc xô xát trong chợ đêm tối 6-3, bước đầu xét thấy cả hai bên đều có lỗi. Dù phía du khách không yêu cầu gì nhưng công an sẽ xử lý nghiêm những đối tượng liên quan về hành vi xâm hại sức khỏe người khác, gây rối, làm mất an ninh trật tự. Trước hết, Công an phường 1 sẽ xử lý hành chính. Sau đó, căn cứ vào việc cam kết của cơ sở kinh doanh Lệ Thủy với Ban Quản lý chợ, UBND phường 1..., công an phường sẽ tham mưu để Công an TP Đà Lạt xử lý nghiêm.
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng nên chăng dẹp bỏ chợ đêm Đà Lạt. Trung tá Hòa thừa nhận hoạt động ở chợ đêm Đà Lạt rất phức tạp. Thế nhưng, khu vực này hình thành từ rất lâu, là nét đặc trưng của TP nên khó dẹp bỏ.
Chợ đêm Đà Lạt hoạt động từ 18 giờ cho đến rạng sáng hôm sau. Theo những người lớn tuổi ở TP này, chợ đêm Đà Lạt hình thành hơn nửa thế kỷ qua. Từ thời đô thị chưa có đèn chiếu sáng thâu đêm, những gánh hàng rong bán hột vịt lộn, xôi, sữa đậu nành trước khu vực chợ Đà Lạt đốt đèn dầu, bếp củi bập bùng trong sương trông giống ở "cõi âm" nên mới có tên chợ Âm Phủ. Sự giản đơn, dân dã đó lại có sức hút đối với du khách và chợ đêm Đà Lạt trở thành địa chỉ ẩm thực về đêm hấp dẫn.
Hiện nay, chợ đêm Đà Lạt có rất nhiều đơn vị quản lý. Từ cuối năm 2011, UBND TP Đà Lạt giao Công ty Hiệp Thanh Bình quản lý chợ này. Hiệp Thanh Bình lập dự án quản lý 120 gian hàng nhưng có 52 hộ không hợp tác với công ty và kiến nghị được phường 1 quản lý. Riêng khu ẩm thực trước thương xá Latulip (sát cầu thang chợ) lại do Ban Quản lý chợ Đà Lạt thu lệ phí.
Chưa kể, một số hộ thuê mặt bằng của thương xá rồi lấn ra cầu thang để kinh doanh. Tại chợ đêm Đà Lạt, người bán, người mua ngồi ngay vỉa hè, lòng đường. Nhiều hàng quán cho người đứng đón, chặn du khách mời mọc gây phản cảm. Ngoài ra, rác, nước thải từ chính những quán ăn này bốc mùi hôi hám khó chịu.
"Do chợ Đà Lạt có nhiều đơn vị quản lý nên khó có tiếng nói chung phối hợp để xử lý vụ việc. Riêng Ban Quản lý chợ chỉ quản lý khu vực nội bộ chợ Đà Lạt, còn từ cầu thang Latulip trở ra phía ngoài đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc UBND phường 1. Cần thiết phải tổ chức lại chợ Đà Lạt" - ông Đặng Mậu Nhi, Phó Ban Quản lý chợ Đà Lạt, nói.
Theo ông Nhi, vấn đề cấp bách lúc này là tổ chức lại chợ Đà Lạt để quản lý tốt hơn. Các bên liên quan như Ban Quản lý chợ, Công an phường 1, UBND phường 1 và UBND TP Đà Lạt sẽ có cuộc họp cùng các hộ kinh doanh để tuyên truyền và bắt buộc các cơ sở kinh doanh cam kết để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn chợ đêm.
Kỳ tới: Nỗi kinh hoàng của du khách
Không bỏ qua dù "chuyện nhỏ"
Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết lãnh đạo tỉnh đã có văn bản gửi UBND TP Đà Lạt và các cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, xử lý thông tin chủ quán ăn đánh du khách ngất xỉu tối 6-3. "Đây là trường hợp nhỏ nhưng không vì thế mà UBND tỉnh bỏ qua. Trường hợp này là con sâu làm rầu nồi canh. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch địa phương nhưng mức độ như thế nào thì phải chờ" - ông Đồng nói.
Năm 2017, Lâm Đồng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử đối với du khách, người dân và cơ sở kinh doanh. Theo đó, những cơ sở kinh doanh không đúng theo bộ quy tắc sẽ bị loại bỏ.
Bình luận (0)