“Nga muốn tước đoạt năng lượng của chúng ta. Do đó, chúng ta phải tước đoạt phương tiện của họ. Tôi tiếp tục kêu gọi (các nước) cung cấp khẩn cấp 20 hệ thống phòng không NASAMS, HAWK hoặc IRIS-T cho Ukraine” - Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Andrii Sybiha trong bài đăng trên mạng xã hội X.
Một nguồn tin tiết lộ cuộc tấn công ngày 13-12 nhắm vào các trạm biến áp và cơ sở hạ tầng khí đốt. Giới chức đã thông báo cắt điện khẩn cấp kéo dài nhưng không rõ do thiệt hại hay phòng ngừa. Hiện chưa có báo cáo về thương vong.
Chính quyền Lviv nằm ở phía Tây Ukraine xác nhận các cơ sở năng lượng tại đây bị tấn công và phải thay đổi lịch trình cắt điện. Ngoài ra, tiếng nổ cũng vang lên ở Odessa, Ivano-Frankovsk và nhiều khu vực khác.
Truyền thông Ukraine đưa tin về tình trạng mất điện khẩn cấp ở thủ đô Kiev, Odessa và những nơi khác.
Giám đốc điều hành Yasno cho biết khoảng một nửa trong số 3,5 triệu khách hàng của công ty này chịu cảnh không có điện vào sáng 13-12 (giờ địa phương).
Công ty năng lượng nhà nước Ukrenergo cảnh báo diễn biến này có thể ảnh hưởng tới khả năng sử dụng điện của 50% dân số trong ngày 13-12. Còn theo chính quyền địa phương, tại vùng Ternopol hiện khoảng 50% cư dân không có điện.
Reuters cho biết rất khó đánh giá ảnh hưởng chính xác bởi sau nhiều đợt tấn công của Nga, Ukraine tiết lộ rất ít thông tin chi tiết về hệ quả và tình trạng lưới điện. Tính trong năm 2024, hệ thống năng lượng của Ukraine bị nhắm mục tiêu 11 lần, gây thiệt hại diện rộng và mất điện trên khắp cả nước.
Cùng ngày 13-12, 6 nước thành viên NATO ra tuyên bố chung ủng hộ Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này, đồng thời cam kết sẽ đồng thuận với các điều khoản hòa bình do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa cho Nga.
“Không thể tách rời mục tiêu về một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine với mục tiêu an ninh lâu dài cho châu Âu. Ukraine phải chiến thắng” - RT dẫn tuyên bố chung từ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý và Ba Lan.
Các quốc gia cam kết ủng hộ chấm dứt xung đột theo "sự tôn trọng hoàn toàn với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", đồng thời theo đuổi con đường “không thể đảo ngược” đưa Kiev gia nhập NATO và EU.
Cuộc họp tại Berlin diễn ra trong bối cảnh quan ngại về khả năng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cắt giảm viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.
Về phần mình, Nga thẳng thừng bác bỏ “công thức hòa bình” của ông Zelensky, nhấn mạnh thỏa thuận chỉ có thể thực hiện dựa trên điều kiện của Moscow, trong đó Ukraine từ bỏ tham vọng vào NATO.
Bình luận (0)