Nga muốn một thỏa thuận hòa bình lâu dài liên quan đến Ukraine, giải quyết những gì mà Moscow xem là nguyên gốc rễ của cuộc xung đột, chứ không phải một lệnh ngừng bắn nhanh chóng được Mỹ hậu thuẫn.
Trong cuộc phỏng vấn được hãng tin RIA phát hôm 24-2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết thông tin trên, đồng thời nói thêm Moscow đang hướng tới một thỏa thuận có thể đứng vững trước thử thách của thời gian. Theo ông Ryabkov, một lệnh ngừng bắn mà không có giải pháp lâu dài sẽ mở đường cho việc nhanh chóng tái diễn xung đột với những hậu quả nghiêm trọng hơn, trong đó có hậu quả đối với quan hệ Nga - Mỹ.
Phát biểu trên được đưa ra đúng vào dịp 3 năm nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngay trước thềm dịp này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 23-2 cho biết ông sẽ từ chức nếu điều đó mang lại hòa bình cho đất nước và Ukraine được trao tư cách thành viên NATO.
"Tôi đang tập trung vào an ninh của Ukraine lúc này, không phải trong 20 năm nữa và tôi không có ý định nắm quyền trong một thập kỷ. Đây là trọng tâm và cũng là khát vọng lớn nhất của tôi" - ông Zelensky nói với đài ABC News. Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh Ukraine phải có các bảo đảm an ninh để mọi thỏa thuận hòa bình được chấp nhận và bền vững.

Khung cảnh hội nghị cấp cao ở thủ đô Kiev - Ukraine hôm 24-2. Ảnh: PRESIDENT.GOV.UA
Các bảo đảm an ninh cho Ukraine cũng là một trong những nội dung thảo luận tại hội nghị cấp cao ở thủ đô Kiev hôm 24-2, thu hút sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cùng nhiều nhà lãnh đạo phương Tây như Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Thủ tướng Canada Justin Trudeau…
Phát biểu tại hội nghị, theo trang Euronews, các nhà lãnh đạo này tái khẳng định tình đoàn kết với nước chủ nhà và đưa ra các cam kết mới về hỗ trợ tài chính và quân sự. Riêng bà Leyen công bố gói viện trợ tài chính trị giá 3,5 tỉ euro để bơm thêm thanh khoản vào ngân sách eo hẹp của Ukraine và hỗ trợ mua thiết bị quân sự từ ngành công nghiệp trong nước. Đây là phần ứng trước từ quỹ hỗ trợ trị giá 50 tỉ euro mà Liên minh châu Âu (EU) thành lập vào đầu năm 2024. Theo bà Leyen, việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine cần được đẩy nhanh ngay lập tức và sẽ là công việc trọng tâm của EU trong những tuần tới.
Trong khi đó, điểm đến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ngày 24-2 là thủ đô Washington - Mỹ. Phát biểu trước thềm chuyến đi này, giới chức Pháp cho biết ông Macron sẽ tận dụng mối quan hệ "đặc biệt" của mình với Tổng thống Donald Trump để thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ đưa châu Âu vào bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
EU sắp họp thượng đỉnh bất thường
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự kiến họp bất thường vào ngày 6-3 để thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine, các bảo đảm an ninh cho châu Âu và cách thức chi trả cho nhu cầu quốc phòng của châu lục này.
Giới chức EU công bố thông tin trên trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rõ châu Âu phải chi nhiều hơn vào quốc phòng thay vì trông cậy vào Washington. Theo thỏa thuận, các nước EU là thành viên của NATO phải chi 2% GDP cho quốc phòng mỗi năm nhưng nhiều nước vẫn chi thấp hơn mức đó. Ủy ban châu Âu ước tính EU sẽ cần khoản đầu tư quốc phòng 500 tỉ euro trong 10 năm tới và các nhà lãnh đạo EU sẽ bàn về phương thức tìm số tiền này.
Họ nhiều khả năng tập trung vào việc sử dụng các quỹ EU sẵn có cho mục đích quân sự hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chi tiêu quỹ quốc gia mà không bị ràng buộc bởi quy tắc của EU. Các quan chức cũng đang thảo luận về khả năng sử dụng khoảng 90 tỉ euro từ các khoản cho vay và một số khoản trợ cấp từ quỹ phục hồi sau đại dịch của EU cho mục đích quốc phòng.
Ngoài ra, việc sử dụng các quỹ gắn kết EU, vốn là tiền từ ngân sách dài hạn của EU dành cho mục đích cân bằng mức sống trên toàn khối, cũng đang được xem xét cho các dự án có thể hỗ trợ quân đội. Cuối cùng, Brussels có thể tuyên bố tất cả các khoản đầu tư quốc phòng được miễn trừ khỏi giới hạn chi tiêu công của EU, giúp các chính phủ tránh bị trừng phạt khi thực hiện những dự án quốc phòng quy mô lớn.
Xuân Mai
Bình luận (0)