Mới đây, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt đã xảy ra tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội làm 2 phụ nữ trẻ tuổi tử vong. Nguyên nhân là do 2 nạn nhân chạy xe máy băng qua lối đi tự mở giao cắt với đường sắt không có gác chắn thiếu quan sát, cộng với tầm nhìn hạn chế do trời chưa sáng.
Hơn 3 tháng trước, cũng tại huyện Thường Tín, một vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng khác đã gây thương vong cho 2 thiếu nữ. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc 2 cô cố tình băng qua đường sắt tại đoạn đường ngang dân sinh không gác chắn khi tàu hỏa đang đến gần...
Ngoài 2 vụ trên, nhiều vụ TNGT đường sắt khác đã xảy ra tại các tuyến đường ngang dân sinh giao với đường sắt không có gác chắn, có gác chắn tự động hoặc các đường ngang, lối đi tự mở. Điểm chung của các vụ tai nạn là thói quen "đi ngang về tắt", thiếu quan sát, không tuân thủ luật pháp.
Thời gian qua, lực lượng chức năng và ngành đường sắt đã nỗ lực nâng cấp, đầu tư, hiện đại hóa các tuyến đường gác chắn, tuyến đường ngang dân sinh để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả các vụ TNGT.
Theo thống kê của ngành đường sắt, ngành đã xóa bỏ 511 vị trí đường ngang tự tạo, lối đi tự mở của người dân qua đường sắt; rào và thu hẹp 1.448/1.879 lối đi tự mở. Điều đó cũng đồng nghĩa vẫn còn nhiều tai nạn rình rập ở những điểm chưa bị xóa bỏ.
Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng và ngành đường sắt, trong những năm gần đây, TNGT đường sắt đã được kéo giảm bằng các biện pháp kỹ thuật, giải pháp căn cơ. Thế nhưng, hằng năm vẫn còn hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết và bị thương hàng chục người.
Để ngăn chặn và kéo giảm các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục triển khai, thực hiện những biện pháp, giải pháp căn cơ nhiều hơn và mạnh hơn nhằm thiết lập trật tự an toàn giao thông, an toàn hành lang đường sắt.
Cần tiếp tục đầu tư kinh phí, duy trì cảnh giới an toàn giao thông tại các điểm đường ngang dân sinh, điểm gác chắn tự động, lối đi tự mở…
Đặc biệt, cần tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các vị trí, lối đi tự mở trên tuyến đường sắt theo lộ trình của ngành đến năm 2025. Trong khoảng thời gian chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, cần có các giải pháp cảnh báo, đẩy mạnh tuyên truyền, xử phạt và xử lý nghiêm minh những hành vi lấn chiếm, vi phạm an toàn hành lang, an toàn giao thông đường sắt.
Bình luận (0)