Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), cho biết phát triển xanh là xu hướng tất yếu không chỉ ngân hàng mà mọi thành phần trong nền kinh tế đều hướng tới.
Thúc đẩy tín dụng xanh
Nhiều năm qua, Nam A Bank liên tục thêm danh mục sản phẩm tín dụng xanh, đặt mục tiêu trung hòa carbon cũng như xây dựng hệ sinh thái toàn diện. Việc "xanh hóa" danh mục tín dụng thông qua định hướng cho vay phát triển các lĩnh vực ô tô điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hay các doanh nghiệp chú trọng vào ESG (quan tâm tới các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp)…
Trong chính sách cho vay tổng thể của Nam A Bank, không chỉ áp dụng hệ thống quản lý môi trường và xã hội (ESMS) mà còn hướng đến hoạt động thân thiện và trách nhiệm với môi trường. Nam A Bank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ký kết cùng Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) triển khai chương trình "Tín dụng xanh" nhằm dành nguồn vốn ưu đãi tài trợ cho các nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội. Nam A Bank cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty quản lý quỹ ResponsAbility (Thụy Sĩ) nhằm phát triển bền vững và tín dụng xanh tại Việt Nam.
Tín dụng xanh sẽ là một trong những chiến lược phải hướng đến của Nam A Bank, đồng thời ngân hàng cũng nhận định lộ trình này cần sự đồng hành, cộng hưởng của cả khách hàng, đối tác và cộng đồng. Muốn tín dụng xanh chảy mạnh thì doanh nghiệp được cấp vốn cũng phải "xanh". Đơn cử, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang châu Âu nếu muốn có nhiều đơn hàng, đem lại giá trị gia tăng cao phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh về môi trường, nguồn gốc sản phẩm từ đánh bắt hợp pháp…
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng, cả ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp không thể "xanh" một mình mà cần sự vào cuộc, huy động nguồn lực của cả nền kinh tế. Nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, doanh nghiệp dễ "đứng ngoài cuộc" chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Việc liên kết các thành phần trong xã hội tạo thành đất nước xanh là tiên quyết vì chúng ta đang "chơi" cuộc chơi hội nhập, muốn tham gia thì phải đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Trong lộ trình này, Nam A Bank có lợi thế là tiên phong chuyển đổi số với tốc độ nhanh giúp ngân hàng đẩy nhanh quá trình xanh hóa" - ông Trần Ngọc Tâm nói.
Quyết liệt triển khai cam kết
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết ngành ngân hàng với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp từ ngành ngân hàng sẽ định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện môi trường, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh khi ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; bổ sung, lồng ghép định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh vào nội dung của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Yêu cầu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Trong lộ trình chung này, năm 2024 và những năm tiếp theo, Nam A Bank sẽ tiếp tục liên kết với các tổ chức, định chế tài chính nước ngoài để triển khai cam kết phát thải ròng bằng 0. "Nguồn vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho các lĩnh vực nông lâm thủy sản, các doanh nghiệp chú trọng ESG, đáp ứng tiêu chí ESMS. Ngay cả với dự án bất động sản nếu đáp ứng cả tiêu chí về tín dụng xanh cũng sẽ được cho vay" - ông Trần Ngọc Tâm khẳng định.
Đáng chú ý, tại Nam A Bank đã và đang "xanh hóa" cả hoạt động nội bộ, kinh doanh chứ không chỉ vốn tín dụng. Ngân hàng tăng cường các hoạt động bền vững, ứng dụng công nghệ trong quản lý dữ liệu thông tin, khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử, phát triển kênh thanh toán xanh... Nam A Bank cũng chuyển đổi hoạt động kinh doanh sang xanh về tiết kiệm năng lượng bao gồm tắt đèn bảo về môi trường, sử dụng túi vải, vật liệu thân thiện môi trường cho các hoạt động thiện nguyện.
564.000 tỉ đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30-9-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Nam A Bank còn triển khai thí điểm dự thảo Sách trắng về mục tiêu trung hòa carbon và đang tiếp tục triển khai tính toán mức phát thải CO2 tại một số đơn vị kinh doanh. Hoạt động này nhằm đánh giá mức độ phát thải CO2 vào các sản phẩm tín dụng xanh. Ngân hàng xanh không chỉ giới hạn ở phạm vi nghiệp vụ đơn lẻ mà được mở rộng thành mạng lưới, liên minh, đối thoại cộng đồng, toàn thể hệ sinh thái… nhằm đạt được tính bền vững của các yếu tố xã hội, môi trường và tài chính.
Bình luận (0)