Tính đến ngày 31-1, các ngân hàng (NH) thương mại cổ phần đều đã công bố kết quả kinh doanh quý IV và năm 2023 theo quy định. Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận của các NH không tăng đồng loạt như những năm trước mà có sự phân hóa lớn giữa các NH thương mại quy mô lớn và những NH vừa và nhỏ hơn.
Những con số ấn tượng
Những NH đạt lợi nhuận trước thuế vượt 20.000 tỉ đồng được ghi nhận đến thời điểm này có Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Agribank, Techcombank, ACB. Trong đó, Vietcombank giữ vị trí quán quân lợi nhuận ngành NH với tổng lợi nhuận trước thuế vượt 41.000 tỉ đồng. Kế đến là BIDV, với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 21%, xấp xỉ 23.000 tỉ đồng.
Những NH thương mại tiếp theo đạt lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỉ đồng trong năm 2023 gồm HDBank, VPBank, VIB hay các NH đạt xấp xỉ mốc chục ngàn tỉ đồng như SHB, Sacombank…
Ở chiều ngược lại, không ít NH giảm mạnh lợi nhuận so với năm trước, thậm chí có NH báo lãi vài chục tỉ đồng - điều hiếm thấy trong những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do các NH phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý nợ xấu.
Như NH Quốc tế Việt Nam (VIB) có lợi nhuận trước dự phòng tín dụng trên 15.500 tỉ đồng, tăng trưởng 31% so với năm trước. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng hơn 4.800 tỉ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2022, nên VIB chỉ còn lãi hơn 10.700 tỉ đồng.
NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chỉ đạt 54,4% kế hoạch kinh doanh cả năm khi lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 2.700 tỉ đồng. Lý do, theo Eximbank, một phần từ việc phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng trong khi chi phí trả lãi tiền gửi năm 2023 tăng đáng kể. Đặc biệt, nợ xấu tăng do khách hàng gặp khó khăn, làm chi phí trích lập dự phòng tăng theo.
Áp lực nợ xấu
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định lợi nhuận ngành NH năm 2023 vẫn có những điểm sáng nhưng chưa phản ánh hết bức tranh thực tế trong bối cảnh rất nhiều khoản nợ của khách hàng đang được cơ cấu theo Thông tư 02 về giãn, hoãn nợ của NH Nhà nước. Nếu "tính đúng, tính đủ", bức tranh lợi nhuận sẽ không còn "sáng" như hiện tại khi nhiều NH phải mạnh tay hơn nữa trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý, thu hồi nợ.
"Theo dữ liệu Wigroup, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống NH đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỉ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm còn dưới 100% thay vì luôn ở trên 100% như trước.
Điều này cho thấy các NH cũng không còn nhiều "của để dành" để dự phòng. Sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực (tháng 6-2024), nhiều khả năng tỉ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống có thể tăng cao khi các khoản nợ sẽ bắt đầu nhảy nhóm" - PGS Nguyễn Hữu Huân nói.
Điển hình như NH Á Châu (ACB) lần đầu tiên lãi trước thuế hợp nhất vượt 20.000 tỉ đồng, tăng trưởng 17,3% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch năm nhưng nợ xấu cũng tăng theo, lên mức 1,21%. Tương tự, MB cho biết tỉ lệ nợ xấu năm 2023 cũng tăng lên khoảng 1,4% trong bối cảnh xu hướng nợ xấu của ngành NH tăng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cũng cho rằng lợi nhuận của các NH thương mại trong năm 2024 sẽ kém sáng hơn khi biên lãi ròng (NIM) không còn cao như các năm bởi lãi suất cho vay phải duy trì ở mức thấp.
Đặc biệt, từ năm 2023, NH Nhà nước cho phép các NH thương mại chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu nên việc phấn đấu có lợi nhuận cao để được chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là phù hợp.
"Ngoài ra, việc tăng lợi nhuận cũng không dễ khi thị trường trái phiếu chưa phục hồi mạnh, những mảng được ví như "gà đẻ trứng vàng" của NH như bán bảo hiểm cũng không còn quá sáng. Nhiều NH chưa trích lập hết dự phòng rủi ro cho các khoản nợ đã cơ cấu và sức ép phải trích lập đầy đủ trong năm nay là không nhỏ" - ông Minh nói.
Trong bối cảnh này, một số chuyên gia kiến nghị NH Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc có gia hạn Thông tư 02 và tiếp tục minh bạch các con số về nợ xấu để nhà đầu tư có kỳ vọng hợp lý vào tình hình của hệ thống NH.
Đại diện NH Nhà nước cho biết dù có rất nhiều cảnh báo từ cơ quan quản lý nhưng tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng vẫn tăng rất nhanh trong thời gian qua. Nợ xấu này, theo NH Nhà nước, do doanh nghiệp và người dân vay vốn nhưng không có khả năng trả nợ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và một phần bị tác động bởi đại dịch COVID-19…
Hiện ngành NH đang nỗ lực triển khai các giải pháp để tăng cường xử lý nợ xấu, nhất là tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp là bất động sản để thu hồi nợ.
Bình luận (0)