Theo các nhà giáo và chuyên gia giáo dục, các hội, nhóm trên mạng tích cực cũng nhiều nhưng tiêu cực cũng không thiếu. Vì thế, cách tốt nhất là giúp học sinh (HS) có kỹ năng tự bảo vệ bản thân để không rơi vào các rủi ro, cạm bẫy từ không gian mạng.
Cần phải có chế tài
"Mình cần tìm một vài bạn nữ nhiệt tình, thân thiện, tham gia XYT với mình, mình lo mọi chi phí ăn uống, vé concert và quẩy hết mình qua đêm. Ai quan tâm thì inbox dưới". Một bài post như vậy trên trang "Học sinh THPT T.H.Đ" ngay lập tức nhận về hơn 300 bình luận, chủ yếu của HS. Phần bình luận ngoài những lời cợt nhả thiếu chuẩn mực, cũng không thiếu những ý kiến cho biết sẵn sàng đồng ý nếu người post cho một mức giá tiền cụ thể để đi qua đêm.
Không chỉ dừng lại ở các nội dung hạ thấp danh dự, bôi nhọ bạn học mà còn nhiều nội dung thách thức, khiêu chiến hoặc đặt điều, vu khống. Theo các chuyên gia, nhiều HS hiện nay rất dễ bị tấn công theo cách bị người khác kiểm soát, cấm cản, bắt buộc hành động theo ý muốn của các thành phần xấu trên mạng, dễ dẫn đến những hành động đáng tiếc.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Thu, giáo viên (GV) tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM), cho biết ở góc độ nhà trường, khi có bất kỳ hội, nhóm nào lấy tên trường hoặc HS trường thì nhà trường đều tìm hiểu và quản lý chặt đội ngũ admin (quản lý) các trang, hội, nhóm đó.
Theo cô Thu, thông qua việc quản lý các admin, nhà trường cũng chuyển đi thông điệp như những nội dung nào được xét duyệt đăng tải, nội dung nào phải chặn ngay từ đầu. Các admin cũng phải chấp nhận những chế tài xử phạt nếu để các thông tin xấu, độc hại, chưa kiểm chứng lan truyền, ảnh hưởng đến từng cá nhân và nhà trường.
GV này cũng cho biết thực tế mỗi trường phổ thông hiện nay có cả hơn ngàn HS, mỗi em có tâm tư, tình cảm, mối quan tâm khác nhau, việc kiểm soát các em đăng gì thật sự rất khó. Trong khi chuyện tốt các em đăng với tên thật, ngược lại đăng chế độ "ẩn danh" thì càng khó kiểm soát. "Ngoài kiểm soát đội ngũ admin, mỗi năm HS đều được nhắc nhở các kỹ năng ứng xử, giao tiếp trên mạng xã hội. Sử dụng internet sao cho hiệu quả, văn minh, kèm với các chế tài bị xử lý nếu vi phạm. Ngoài ra, trường còn mời các chuyên gia, báo cáo viên về nói chuyện để HS hiểu rõ hơn trước khi muốn bày tỏ điều gì trên mạng xã hội" - cô Thu nói.
Nắm bắt tâm tư, tình cảm học trò
ThS Tiêu Minh Sơn, chuyên gia tư vấn tâm lý, cho biết theo nhiều tài liệu nghiên cứu của các tổ chức uy tín trên thế giới, tỉ lệ người dùng internet trên thế giới là 62,5%, ở Việt Nam là 73,1%. Với mạng xã hội, tỉ lệ người thường xuyên sử dụng trên thế giới là 58,4%, ở Việt Nam là 78,1%. "Nhiều HS có thói quen sử dụng mạng xã hội để cập nhật tin tức, thậm chí "hóng drama". Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, các em lại vô tình tạo ra hoặc vướng vào một drama khác. Do chưa có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm xử lý nên các em dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý" - ThS Sơn chia sẻ.
Theo ThS Sơn, trước khi đăng tải một hình ảnh, trạng thái cá nhân lên mạng xã hội, HS cần suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng tải, tuyệt đối không công khai số điện thoại, tên trường, địa chỉ email cá nhân lên mạng xã hội. Ngoài ra, khi rơi vào tình huống bị bắt nạt trên mạng xã hội, HS cần bình tĩnh, xác định nút thắt ở đâu để tháo gỡ, bạo lực có nguyên nhân từ ai, việc gì, từ đó nhờ sự hỗ trợ từ thầy cô, cha mẹ, đơn vị chức năng để có hướng giải quyết phù hợp.
Thầy Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết ông thường xuyên dạo các diễn đàn của HS, HS của trường, câu nào HS hỏi dễ, mình biết thì tự trả lời. Câu nào chưa biết thì phân công GV giải đáp đến nơi đến chốn cho HS. "Nhà trường chọn cách trao đổi với admin các hội, nhóm vì quan điểm là lắng nghe chứ không áp đặt. Có admin từng nói nếu thầy không đối diện trả lời thì các bạn mang đi đăng ở nơi khác còn nguy hiểm hơn nên nhà trường sẵn sàng giải đáp bất kỳ thắc mắc nào của HS" - thầy Hải nói.
Cũng theo thầy Hải, với quan điểm phòng ngừa, bảo vệ HS, nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho HS về tình đoàn kết, nhân ái, hợp tác và sẻ chia, đùm bọc thông qua sinh hoạt dưới cờ hằng tuần; thông qua bộ môn giáo dục công dân, ngữ văn, hoạt động trải nghiệm. Trường cũng mời các diễn giả nói chuyện với HS việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... Sử dụng đúng cách, đúng mục đích lan tỏa những hình ảnh đẹp, việc làm tốt của bạn bè, thầy cô, nhà trường và xã hội; tấm lòng nhân ái, sẻ chia…
Đối thoại thẳng thắn
Thầy Hoàng Sơn Hải cho biết để ngăn ngừa bạo lực học đường, bảo vệ HS trước các hội, nhóm tràn lan, nhà trường phân công lãnh đạo, GV chủ nhiệm thường xuyên nắm bắt dư luận, nắm bắt thông tin nhằm phòng ngừa từ sớm hiện tượng HS hiềm khích, xích mích, gây gổ lôi kéo nhau gây rối hoặc lên mạng nói xấu nhau, hoặc vào các trang phản động chia sẻ những thông tin xấu, độc hại.
Đặc biệt, nhà trường tổ chức đối thoại định kỳ 3 lần/năm với đại diện HS toàn trường; đối thoại thường xuyên với các lớp khi có vấn đề nảy sinh. Trường cũng cho HS đi thiện nguyện để các em hiểu nhau, nhờ có những chương trình này mà HS biết chia sẻ với nhau. Trường cũng nhờ phụ huynh phối hợp thường xuyên, lâu dài để cùng quản lý, giúp đỡ, bảo vệ HS.
Bình luận (0)