Nhiều trường tổ chức học tập trải nghiệm ngay tại trường học nhưng vẫn mang lại hiệu quả
Học sinh (HS) nhiều trường THPT tại TP HCM cho biết thời điểm này, cùng với lịch kiểm tra học kỳ I, nhiều trường học đã thông báo chuyến học tập ngoại khóa, trải nghiệm với chi phí khá cao. Có những trường chưa đầy 2 tháng phát hành 2 thư ngỏ về học tập trải nghiệm ngoài nhà trường.
Cứ ngoại khóa là đi xa, tốn kém
Tháng 10-2023, nhiều phụ huynh và HS lớp 10 Trường THPT Trưng Vương (quận 1) phản ánh về việc nhà trường yêu cầu HS tham gia hoạt động ngoại khóa ở Cần Giờ, với chi phí mỗi HS là 490.000 đồng. "Éo le hơn ở chỗ nếu không tham gia cùng trường thì phải có minh chứng đến Cần Giờ bằng cách chụp hình gửi giáo viên chủ nhiệm. Nếu không đi sẽ bị mất 5 điểm" - H.Mai, một HS lớp 10, cho biết.
Nhiều HS khác cũng phản ánh thời điểm đầu năm học lớp 10, nhiều gia đình không có điều kiện vì chi phí đóng các khoản thu đầu năm đã nhiều; hơn nữa, nếu tự đi để giảm chi phí như nhà trường thông báo thì càng khó khăn hơn bởi lẽ từ trung tâm thành phố đi tận ra Cần Giờ cũng đâu phải gần, chắc chắn phụ huynh phải đi kèm. Mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con đi được nên chỉ còn cách đi với trường.
Nhiều HS cho biết dù thông báo cho biết là hình thức tự nguyện nhưng không khác gì bắt buộc. "Em thấy không hợp lý vì tụi em lớp 10, đầu năm vào còn đóng tiền cơ sở vật chất, tiền ăn, tiền học này nọ rất nhiều. Trường mở ra một hoạt động ngoại khóa tự nguyện nhưng nếu chúng em không đi thì chỉ có tối đa 5 điểm trong bài kiểm tra" - một HS cho biết.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, thời điểm đó, có lẽ do giáo viên chủ nhiệm thông báo không rõ đến HS nên mới có sự hiểu nhầm là bắt buộc. "Nhà trường đã tính đến nhiều phương án, trong đó có phương án những em không đồng ý tham gia thì ở nhà nghiên cứu, viết bài thu hoạch chứ không có chuyện không đi là bị trừ điểm" - ông Khoa nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù với mục đích, ý nghĩa ban đầu là tổ chức những giờ học ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm thiết thực, có mục đích giáo dục nhưng rất nhiều giờ học ngoại khóa hiện nay tại các trường học thực chất là tổ chức cho HS đi du lịch, vui chơi là chính.
Đáng nói là những địa điểm tổ chức hầu như đều là ở Đà Lạt, Cần Giờ. Nhiều phụ huynh, HS Trường THPT Tân Phong (quận 7) cho biết chỉ trong vòng 2 tháng, nhà trường gửi 2 thư ngỏ về học tập ngoại khóa tại Cần Giờ và Đà Lạt. Cụ thể, vào tháng 10, trường có thông báo về chuyến tham quan, học tập ngoại khóa tại huyện Cần Giờ với chi phí 475.000 đồng/HS, vừa qua trường lại tiếp tục gửi thư ngỏ về chuyến học tập ngoại khóa tại Đà Lạt vào khoảng giữa tháng 1-2024 với chi phí 1.890.000 đồng/HS. Nhiều phụ huynh bày tỏ không hiểu vì lý do gì mà học ngoại khóa cứ nhất định phải tổ chức xa xôi và với tốc độ dày đặc như vậy.
Không đưa học sinh tiểu học ra khỏi thành phố!
Phản ánh với Báo Người Lao Động, nhiều HS Trường THPT Gò Vấp cho biết nhà trường vừa thông báo lịch thi học kỳ I, sau khi thi xong là chuyến tham quan Đà Lạt kết hợp học tập ngoại khóa từ ngày 28 đến 30-12. "Biết là thi xong sẽ cần nghỉ ngơi, thư giãn nhưng thật sự chúng em đã quá ngán đi Đà Lạt. Lý do từ ở các lớp dưới, nhiều bạn đã đi rồi, chưa kể những lần đi cùng gia đình" - một HS chia sẻ.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, căn cứ tình hình thực tế tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở giáo dục hiện nay, sở đã yêu cầu các hoạt động này phải bảo đảm tính thiết thực, gắn với mục tiêu giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức; hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng một thời điểm. Riêng đối với khối tiểu học, không tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho HS ra khỏi TP HCM.
Đồng thời phải chú ý đến việc công bằng trong tiếp cận giáo dục và sự đồng thuận của phụ huynh. Căn cứ hướng dẫn triển khai các hình thức học tập, hoạt động giáo dục đúng theo quy định; không tổ chức các hoạt động tham quan, ngoại khóa ngoài thành phố có kiểm tra, đánh giá nếu hoạt động này không phù hợp với mục tiêu của chương trình.
Hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm phải nhân văn
Một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm là hoạt động quan trọng, thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế sẽ giúp HS hình thành được nhiều năng lực trải nghiệm hơn là hình thức dạy "chay". Tuy nhiên, cách thức thực hiện, truyền thông cho HS, phụ huynh ở một số cơ sở chưa đúng, chưa đầy đủ khiến phụ huynh chưa hiểu hết ý nghĩa của hoạt động giáo dục này. Riêng chuyện giá cả là do thỏa thuận của nhà trường và phía cung cấp dịch vụ nên nói đắt, rẻ thì rất khó vì còn tùy thuộc chất lượng từng dịch vụ... Nhưng từ đó cũng nảy sinh vấn đề, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm phải có tính nhân văn, khoa học, mang tính giáo dục.
Bình luận (0)