Theo giới chuyên gia công nghệ, đây có thể là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.
Thu hút "đại bàng" làm tổ
Bà Lê Ngọc Mỹ Tiên - Tổng Giám đốc, đồng sáng lập Công ty CP BlockchainWork - nhìn nhận chính sách mới này sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch đầu tư của các công ty trong lĩnh vực chip bán dẫn như Samsung, Intel... sang các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mục đích là nhằm đa dạng hóa sản xuất, chuỗi cung ứng và tránh rủi ro từ chính sách của Mỹ.
Theo bà Tiên, nhờ vị trí thuận lợi, chi phí lao động rẻ nên Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành điểm đến hấp dẫn để các "đại bang" xây tổ, lập các điểm lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip. "Việt Nam có các khu công nghệ cao tại TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội..., thuận lợi để tiếp nhận dự án mới khi các doanh nghiệp (DN) công nghệ toàn cầu tìm kiếm thị trường mới với chi phí thấp và có chính sách ưu đãi. Từ đó, DN trong nước có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại lợi ích không chỉ cho ngành chip mà còn cả nền kinh tế" - bà Tiên phân tích thêm.
Thời gian qua, nhiều "ông lớn" công nghệ trên toàn cầu đến tìm hiểu và đã đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Gần đây nhất, đầu tháng 12-2024, ông Jensen Huang, Chủ tịch NVIDIA, đã trở lại Việt Nam và chính thức ký kết thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) về AI và Trung tâm Dữ liệu AI. Đáng chú ý, tập đoàn thiết kế, sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới này cũng công bố thương vụ mua lại VinBrain - công ty chuyên về AI của Tập đoàn Vingroup. Ngay sau đó, Việt Nam tiếp tục đón đoàn DN bán dẫn hàng đầu của Mỹ - bao gồm Intel, Ampere, Marvell, Cirrus Logic, Infineon... - đến thăm và làm việc.
Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Mỹ mong muốn đưa các dòng chip công nghệ cao về sản xuất trong nước nhưng đối với các phân khúc khác, họ vẫn duy trì hợp tác với các đối tác, trong đó có Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh các hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn chưa bị tác động bởi chính sách mới của Mỹ, ngược lại việc nền kinh tế số 1 thế giới tái cơ cấu chuỗi cung ứng có thể giúp Việt Nam thu hút thêm DN nước ngoài và khuyến khích DN trong nước tham gia sâu hơn vào lĩnh vực bán dẫn. "Việt Nam có cơ hội phát triển các DN thiết kế chip, đóng gói và kiểm thử - những mảng không nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Mỹ" - ông Hoài khẳng định.
Theo báo cáo của Mirae Asset, trong 11 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn LG đã đầu tư 1 tỉ USD, Foxconn đầu tư 551 triệu USD vào Việt Nam. Trong khi đó, Bắc Ninh và Samsung Display ký bản ghi nhớ phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử trị giá 1,8 tỉ USD; Samsung dự kiến đầu tư thêm 1 tỉ USD mỗi năm tại Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam đang là nơi hấp dẫn dòng vốn công nghệ cao từ thế giới.
Báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu thị trường Gartner cho thấy doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu năm 2024 đạt 626 tỉ USD, tăng hơn 18% so với năm 2023. Dự báo năm 2025, thị trường này tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu ước đạt 705 tỉ USD. Động lực chính cho ngành chip trong năm 2024 đến từ các bộ xử lý đồ họa (GPU) và bộ xử lý AI, được ứng dụng chủ yếu trong các trung tâm dữ liệu - bao gồm máy chủ và thẻ tăng tốc.
![Thị trường bán dẫn toàn cầu năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu ước đạt 705 tỉ USDẢnh: LÊ TỈNH Thị trường bán dẫn toàn cầu năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu ước đạt 705 tỉ USDẢnh: LÊ TỈNH](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/11/13-thiet-ke-chua-co-ten-21-173928295653096693406.png)
Thị trường bán dẫn toàn cầu năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu ước đạt 705 tỉ USDẢnh: LÊ TỈNH
Đừng để vuột mất cơ hội
Để nắm bắt cơ hội, bà Lê Ngọc Mỹ Tiên cho rằng Việt Nam cần sớm mở rộng chương trình hợp tác giữa các trường đại học với DN để đào tạo kỹ năng về ngành công nghiệp bán dẫn; phát triển các khu thực hành để nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực. Đồng thời, cần hỗ trợ vốn vay cũng như có cơ chế, chính sách ưu đãi để start-up công nghệ cũng có thể tham gia dần vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu. "Việc phát triển con người, thị trường là quan trọng để Việt Nam trở thành địa chỉ phát triển ngành bán dẫn bền vững thay vì là nơi lựa chọn tạm thời của các "đại bàng" công nghệ" - bà Tiên góp ý.
Ông Hoàng Văn Tam - CEO, nhà sáng lập Công ty TNHH Digitech Solutions - nêu rõ các yếu tố cần thiết để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn là chính sách ưu đãi, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ cần khuyến khích chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ các đối tác quốc tế cũng như xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho DN công nghệ trong nước và quốc tế để tạo động lực phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo giám đốc một công ty công nghệ tại TP HCM, thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp bán dẫn có thể kể đến là vốn đầu tư rất cao, mỗi nhà máy có thể lên đến 40-50 tỉ USD, trong khi chịu áp lực cạnh tranh rất gay gắt từ các thị trường như Trung Quốc, Mỹ. Điều này đòi hỏi nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn, chi phí liên quan phát triển khu xưởng để DN yên tâm gia nhập ngành công nghiệp tỉ đô.
"Chính sách mới của Tổng thống Donald Trump có thể giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn nhưng chỉ trong ngắn hạn và ở khâu nhỏ, không mang lại nhiều giá trị cho kinh tế. Do đó, phải có những chính sách hỗ trợ về vốn để DN mở rộng quy mô, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi" - giám đốc DN này nêu quan điểm.
Việt Nam tham gia đạo luật quan trọng về bán dẫn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Cụ thể là đã hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Pháp, Hà Lan... cùng các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft, NVIDIA, Apple, Marvell, Samsung.
Đáng chú ý, Việt Nam được chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips - chính sách quan trọng của Mỹ để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hiện cả nước có hơn 50 DN tham gia công đoạn thiết kế vi mạch, hơn 15 DN tham gia công đoạn đóng gói, kiểm thử vi mạch và sản xuất vật liệu, thiết bị bán dẫn hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, FPT đã ra mắt sản phẩm chip trong ngành y tế, Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G.
Bình luận (0)