Chip bán dẫn là sản phẩm được tìm thấy trong các thiết bị tiêu dùng phổ biến, từ điện thoại thông minh đến tivi.
Các nhà máy sản xuất chip tiêu thụ một lượng lớn nước mỗi ngày để làm mát máy móc và bảo đảm các tấm bán dẫn không có bụi hoặc mảnh vụn.
"Có mối liên hệ trực tiếp giữa việc sử dụng nước và độ phức tạp của chip khi các nhà máy sử dụng nước siêu tinh khiết - nước ngọt được xử lý đến độ tinh khiết cực cao - để rửa các tấm bán dẫn giữa mỗi quy trình. Chất bán dẫn càng tiên tiến thì càng có nhiều bước xử lý, lượng nước tiêu thụ cũng càng nhiều" - nhà phân tích Hins Li của S&P Global Ratings nói với đài CNBC.
Báo cáo lưu ý mức tiêu thụ nước trong ngành bán dẫn đang tăng 5% - 9% mỗi năm, một phần do công suất mở rộng và nhu cầu cải tiến công nghệ xử lý. S&P cho biết lượng nước tiêu thụ của các nhà sản xuất chip trên thế giới đã ngang bằng Hồng Kông - đặc khu Trung Quốc hiện có 7,5 triệu dân.
An ninh nước sẽ là yếu tố ngày càng quan trọng đối với hồ sơ tín nhiệm của các công ty bán dẫn. Theo ông Li, việc xử lý không đúng cách nguồn tài nguyên nước có thể làm gián đoạn hoạt động của công ty, ảnh hưởng đến kết quả tài chính lẫn mối quan hệ với khách hàng.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang làm tăng tỉ lệ thời tiết khắc nghiệt, tần suất hạn hán và sự biến động của lượng mưa, từ đó hạn chế khả năng sản xuất ổn định của các nhà sản xuất chip.
Báo cáo có đề cập Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) - công ty có trụ sở ở Đài Loan (Trung Quốc). TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất toàn cầu, sản xuất khoảng 90% chip tiên tiến được sử dụng cho các ứng dụng điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo trên thế giới.
Với sự thống trị của TSMC trong sản xuất chip tiên tiến, nguy cơ gián đoạn hoạt động liên quan nước có nguy cơ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Bình luận (0)