Năm 2023, Đài phát thanh và truyền hình quốc tế Đức cho biết quốc gia này đang gặp phải tình trạng thiếu điều dưỡng trầm trọng. Dự kiến đến năm năm 2030, Đức sẽ cần hơn 300.000 nhân viên y tế tham gia chăm sóc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão,…
Trước nhu cầu cần nguồn lao động lớn, ngày 16-3, Công ty TNHH Tư vấn giáo dục Clevermann phối hợp với Công ty Viettalents GmbH (Đức) đã công bố triển khai dự án Avita tại Việt Nam.
Dự án nhằm hỗ trợ thực hiện chương trình chuyển đổi văn bằng điều dưỡng Việt Nam sang văn bằng điều dưỡng của Đức, được chính phủ Đức tài trợ.
Ngoài đào tạo nguồn lao động có tay nghề trong nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, dự án còn cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam tham gia học tập, làm việc và định cư tại Đức.
Ông Lê Thắng Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Giáo dục - Đào tạo phía Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo, đánh giá cao tính thiết thực của dự án. Theo ông Lợi, trên thế giới, không có quốc gia nào có thể tự chủ ngân sách nhà nước 100% để chăm lo đời sống học sinh, sinh viên, người lao động. Các quốc gia đều cần thêm nguồn kinh phí xã hội hóa và sự đồng hành của các doanh nghiệp.
"Sự đóng góp của hệ thống giáo dục ngoài công lập có vai trò rất lớn. Công tác xã hội hóa giáo dục không chỉ có hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đại học mà còn bao gồm cả đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ,… Dự án được thành lập thời điểm này sẽ hỗ trợ sinh viên, người lao động có nhu cầu làm việc, định cư tại Đức một cách an toàn" – ông Lợi cho biết.
Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Giáo dục - Đào tạo phía Nam đưa ra ví dụ, đa số lao động phổ thông xuất khẩu lao động sang nước ngoài, sau vài năm "bán sức" thì lại phải trở về quê nhà, số tiền dành dụm có thể giúp xây nhà mới, mua sắm xe cộ. Tuy nhiên, đó chỉ là những lợi ích ngắn hạn. Thay vào đó, người lao động nên được đào tạo bài bản từ chuyên môn nghề nghiệp, ngôn ngữ, bằng cấp đào tạo,…, như vậy mới có giá trị lâu dài.
ThS Nguyễn Hoàng Tiên, Giám đốc Phát triển Giáo dục Clevermann, cho biết đã phối hợp với các bệnh viện và doanh nghiệp tại Đức áp dụng mô hình đào tạo "Đưa doanh nghiệp vào giảng đường". Trong đó, 70% thời lượng thực hành, tập sự hưởng lương, đảm bảo 100% cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp tại các doanh nghiệp.
Bình luận (0)