Trong đó, chuỗi phòng tập gym đã khó khăn nay càng thêm chật vật
Mới đây, chuỗi phòng tập gym Fit24 tại TP HCM bất ngờ thông báo tạm ngừng hoạt động cả 5 chi nhánh từ ngày 5-10 với "lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Fit24 cam kết sẽ sớm mở cửa trở lại để phục vụ hội viên nhưng không nói rõ cụ thể thời gian nào, khiến nhiều người bức xúc.
Ế khách
Bà Trần Thanh Hương - ngụ quận 3, TP HCM - cho biết sau khi Fit24 thông báo tạm ngừng hoạt động các cơ sở, huấn luyện viên cá nhân (PT) giải thích rằng chuỗi phòng tập đang gặp khó khăn về tài chính nên tạm đóng cửa để xử lý nội bộ. Về phần học phí khách đã đóng, bà cho hay chưa nghe Fit24 đưa ra phương án giải quyết, chỉ bảo họ bình tĩnh chờ đợi.
"Tôi đã mua gói tập 2 năm của Fit24, gồm đạp xe, nhảy, tập máy, yoga… hơn 10 triệu đồng hồi đầu năm 2024. Việc Fit24 bất ngờ tạm ngừng hoạt động đã làm gián đoạn quá trình sử dụng dịch vụ, đồng thời thể hiện sự không tôn trọng khách hàng" - bà Hương nhận xét.
Bà Thu Hiền - ngụ quận 7, TP HCM - cũng cho biết mới đóng tiền gói tập theo năm gần 10 triệu đồng. "Nếu tình hình kinh doanh khó khăn hoặc có vấn đề thì tại sao Fit24 vẫn thu tiền của khách tập? Tôi đóng tiền để được sử dụng dịch vụ thường xuyên, không phải nhận tiền rồi thì chuỗi này muốn làm gì làm. Tôi cần được giải quyết gấp số tiền đã đóng" - bà gay gắt.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Fit24 Lê Chí Trung xác nhận hoạt động kinh doanh của chuỗi đang gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng chung từ nền kinh tế phục hồi chậm. Fit24 đang họp bàn với các cổ đông để xử lý vấn đề nội bộ nhằm có thể quay lại hoạt động sớm nhất. "Bằng mọi giá, chúng tôi sẽ giải quyết ổn thỏa cho khách hàng" - ông Trung khẳng định.
Theo ghi nhận, trước Fit24, tháng 9 vừa qua, chuỗi phòng tập Getfit Gym & Yoga cũng thông báo tạm ngưng hoạt động, vẫn với lý do "bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, chuỗi này đã mở cửa lại một số chi nhánh.
Một số người kinh doanh phòng tập gym tại TP HCM cho biết nhiều phòng tập ở phân khúc tầm trung - cao cấp phải đóng cửa hoặc khuyến mãi đến 60%-70% chi phí để duy trì hoạt động, nguyên nhân chính là ế khách. Điều này dẫn đến việc thu không đủ bù chi hoặc tỉ lệ lợi nhuận/chi phí quá thấp. Bởi lẽ, vốn đầu tư ban đầu để mở cơ sở tập gym khá lớn, lên đến hàng tỉ đồng, chưa kể chi phí cố định hằng tháng như tiền mặt bằng, tiền bảo trì máy móc, nhân viên… cũng hàng trăm triệu đồng.
Càng làm càng lỗ?
Ông Hải Định - ngụ quận Bình Thạnh, từng mở phòng gym tại TP HCM năm 2022 - cho hay chi phí để mở cơ sở tầm trung, diện tích cỡ 250 - 350 m2 dao động từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Từ đó, giá gói tập của khách sẽ từ 350.000 đến 450.000 đồng, tùy theo chương trình cụ thể, mua theo năm sẽ giảm 10%-15%.
Để duy trì lượng khách ổn định, phòng tập gym phải chạy quảng cáo khoảng 40 triệu đến 50 triệu đồng/tháng kèm giảm giá đến 30%-40%. Bên cạnh đó, chủ phòng tập còn phải thường xuyên bỏ ra hàng chục đến cả trăm triệu đồng để cải tạo cơ sở vật chất, bảo trì máy móc, bổ sung tiện ích như phòng tắm, xông hơi…, thuê PT "một kèm một" giá rẻ để giữ chân khách. Chưa kể, khấu hao thiết bị hằng năm rất lớn, lên đến 15%-20%, tùy thiết bị.
Càng làm càng lỗ nên đến cuối năm 2023, ông Định quyết định thanh lý phòng tập gym. Ông ước tính mình mất hơn 700 triệu đồng sau "cú đầu tư" này. Theo ông, ngành gym ngày càng khó khăn khi khách thắt chặt chi tiêu. Họ không còn mua thực phẩm chức năng hoặc dùng dịch vụ đi kèm như trước, dẫn đến việc phòng tập mất một khoản khá lớn, chiếm đến 30%-40% tổng doanh thu.
"Trong khi đó, các phòng tập gym theo chuỗi mô hình cao cấp vừa có thiết bị hiện đại vừa tung chiêu cạnh tranh bằng cách giảm giá mạnh kèm nhiều khuyến mãi, như PT "một kèm một"… Vì vậy, việc các phòng gym tầm trung phải tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa cũng chẳng có gì bất ngờ" - ông Định nhận xét.
Theo ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, các môn thể dục ngoài trời như chạy bộ, chèo thuyền, chạy xe đạp đang là xu hướng vì vừa gần gũi vừa tiết kiệm lại tiện dụng. Thế nên, phòng gym không còn nhiều "đất" để hoạt động.
Chuyên gia thị trường Phạm Chinh nhận định nhiều chuỗi phòng gym đóng cửa do thua lỗ bởi các khoản thu từ việc bán thẻ thành viên hầu như không bù đắp nổi tiền thuê mặt bằng, khấu hao thiết bị và chi phí hoạt động. Ngoài ra, trong lúc kinh tế còn khó khăn, giảm chi tiêu vẫn là xu hướng chung nên nhiều người không mặn mà bỏ tiền để tập gym.
"Năm 2024, kinh tế vẫn tiếp tục gặp khó khăn, gây áp lực lên dòng tiền của các nhà đầu tư. Nhiều hệ thống tập luyện sức khỏe đến lúc cạn sức, cạn tiền nên phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động" - ông Chinh nhận định.
Có dấu hiệu chững lại
Theo số liệu từ đơn vị phân tích thị trường Vietdata, ngành gym tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm khoảng 20%. Lĩnh vực này được chia thành nhiều phân khúc khác nhau, từ phòng tập của các thương hiệu lớn dành cho người có thu nhập cao đến phòng tập bình dân. Tuy nhiên, phần lớn thị phần nằm trong tay các thương hiệu cao cấp.
Gần đây, hầu hết các phòng tập lớn đều thu hẹp quy mô hoặc không thay đổi số lượng câu lạc bộ. Điều này cho thấy ngành gym đang có dấu hiệu chững lại.
Bình luận (0)