Chiều 25-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của UBTVQH về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Báo cáo tóm tắt của Đoàn giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày đã nêu kết quả bảo đảm an toàn hàng không dân dụng.
Theo đó hiện nay, nước ta có 10 cảng hàng không quốc tế, trong đó có 5 cảng hàng không trọng điểm; 12 cảng hàng không nội địa có quy mô nhỏ hơn so với các sân bay quốc tế, chủ yếu phục vụ các nhu cầu di chuyển trong nước; sân bay Long Thành (Đồng Nai) đang trong quá trình xây dựng.
Nhìn chung, cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và các Cảng hàng không đã triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Điều ước và Tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Theo ông Lê Tấn Tới, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa hàng không dân dụng, quân sự được các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trao đổi, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy giai đoạn 2016 - 2023, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận 2 tai nạn (trong hoạt động hàng không chung, trong đó 1 tai nạn không có thiệt hại về người) và 632 sự cố, trong đó có 9 sự cố nghiêm trọng mức B, 63 sự cố uy hiếp an toàn cao mức C, 560 sự cố uy hiếp an toàn mức D.
Công tác giám sát an toàn được Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phương pháp giám sát liên tục được đổi mới theo hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nhằm nâng cao chất lượng cũng như tối ưu nguồn lực giám sát của Nhà chức trách hàng không.
Trong giai đoạn 2009 đến hết năm 2023, ngành hàng không ban hành 2.768 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền xử phạt hơn 28,7 tỉ đồng.
Đối với đường bộ, báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm "nồng độ cồn", quá tải trọng, xe "cơi nới" thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật mặc dù đã được tăng cường, tuy nhiên kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn ở mức cao.
Theo Đoàn giám sát, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của một số bộ, ngành, địa phương hiệu quả còn thấp, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông.
Trong khi đó, sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông, tốc độ đô thị hóa và nhu cầu đi lại của người dân, trong khi hạ tầng giao thông phát triển không tương xứng, nhiều bất cập về hạ tầng giao thông chưa được giải quyết.
Trong báo cáo, Đoàn giám sát kiến nghị thời gian tới cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này.
Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông; đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, từng bước hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Phát triển phương tiện giao thông đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân; ưu tiên phát triển phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.
Bình luận (0)