Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Giáp, Trường Quản trị và Kinh doanh - ĐHQG Hà Nội, ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam khi cung cấp thực phẩm, tạo việc làm, đóng góp khoảng 28%-30% GDP cho ngành nông nghiệp.
Nhiều cơ hội
Nuôi trồng thủy sản dự kiến tăng trưởng 3,3%/năm giai đoạn từ năm 2024-2032, đạt sản lượng khoảng 6,9 triệu tấn vào năm 2032. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 14-16 tỉ USD, tạo 3,5 triệu việc làm, tổng sản lượng 9,7 triệu tấn, trong đó thủy sản nuôi đạt 7 triệu tấn.
Với mục tiêu nền kinh tế Việt Nam hướng đến trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050, ngành thủy sản có nhiều cơ hội nhờ mức phát thải thấp. Các nghiên cứu cho thấy nuôi trồng thủy sản toàn cầu chỉ chiếm 0,49% lượng phát thải khí nhà kính (số liệu năm 2017). Cường độ phát thải khí nhà kính của nuôi trồng thủy sản thấp hơn so với chăn nuôi do không có CH4 (khí methane) đường ruột, khả năng sinh sản cao, tỉ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp. Xu hướng chung của thị trường sẽ tăng cường lựa chọn nguồn đạm từ thủy sản, giảm nguồn đạm từ thịt bò, heo, gà... để bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản còn hấp thụ và lưu giữ CO2 trong các loài nuôi 2 mảnh vỏ (hàu, nghêu, vẹm), rong biển (rong nho, rong sụn, rong câu).
Điều này cho thấy ngành thủy sản Việt Nam có nhiều tiềm năng trong nền kinh tế trung hòa carbon nhờ lợi thế về tự nhiên cũng như thị trường rộng mở. Đến nay, về xuất khẩu, thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy, khẳng định vị thế quan trọng của ngành. Tuy nhiên, một số loại hình nuôi thủy sản như nuôi tôm công nghiệp lại có mức phát thải cao.
Thách thức về bảo vệ môi trường
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản tháng 11 ước đạt 950 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2024 đạt 9,2 tỉ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023. Ba thị trường tiêu thụ thủy sản hàng đầu của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, chiếm gần 51% tổng giá trị xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nuôi trồng thủy sản đang tập trung theo hướng nuôi thâm canh, siêu thâm canh với sản lượng tính đến tháng 11-2024 ước đạt gần 5,2 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá nuôi đạt gần 3,4 triệu tấn, tăng 3,8%; tôm 1,24 triệu tấn, tăng 5,3%.
Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng dễ tổn thương do thiên tai, biến đổi khí hậu. Cơn bão số 3 (Yagi) là một minh chứng. Qua nghiên cứu, TS Trần Văn Nhường - chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghề cá Thế giới (WorldFish) - nhận thấy thủy sản được xác định đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Thế nhưng, việc giảm phát thải thủy sản còn ít được lồng ghép trong các chính sách và chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa vai trò, nhiệm vụ của ngành thủy sản trong việc thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu còn thiếu, chưa rõ ràng.
PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến (TP HCM), cho biết bên cạnh những cơ hội, ngành thủy sản đang gặp không ít thách thức. Nhiều vấn đề lớn đặt ra, như: Làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu gia tăng sản lượng thực phẩm thủy sản và việc bảo vệ môi trường; làm thế nào để áp dụng các mô hình phát triển bền vững mà vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế?
Những câu hỏi này cần được thảo luận và giải đáp một cách khoa học, hệ thống và thực tiễn. Từ đó, góp phần đề xuất giải pháp và khuyến nghị liên quan chính sách quản lý, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong ngành thủy sản.
Hội thảo khoa học quốc tế về thực phẩm xanh với sản phẩm thủy sản
Chiều nay, 6-12, tại TP HCM, Trường Đại học Văn Hiến phối hợp với Trung tâm Nghề cá Thế giới (WorldFish) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Thực phẩm thủy sản trong chuyển đổi hệ thống thực phẩm phát thải thấp ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và con đường tương lai". Hội thảo do Chương trình Nghiên cứu hệ thống thực phẩm phát thải thấp của CGIAR tài trợ.
Ban tổ chức cho biết hội thảo tập trung vào 5 vấn đề chính. Thứ nhất, trao đổi kiến thức về ngành thực phẩm thủy sản Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu từ góc độ nghiên cứu, cộng đồng và chính sách. Thứ hai, xác định sự ưu tiên của các bên liên quan trong ngành, kết nối các ưu tiên đó với cơ hội giảm thiểu và thích ứng với khí hậu. Thứ ba, xác định công cụ chính sách đa ngành có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các ưu tiên này, bao gồm những lộ trình tích hợp tốt hơn thực phẩm thủy sản trong các cam kết khí hậu đã nêu, được thực hiện trong đóng góp do quốc gia tự quyết định. Thứ tư, du lịch nông nghiệp (bao gồm cả thủy sản), nông thôn. Thứ năm, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Bình luận (0)