Tỉnh Cà Mau được xem là vựa tôm của cả nước với diện tích nuôi khoảng 280.000 ha, tập trung tại các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… Năm 2024, sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt 242.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 1,12 tỉ USD.
Đối mặt nhiều khó khăn
Tôm được xem là ngành hàng chủ lực tại tỉnh cực Nam của Tổ quốc. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn hộ dân, con tôm còn đem về hàng tỉ USD xuất khẩu cho Cà Mau trong nhiều năm qua.
Dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng ngành tôm của Cà Mau vẫn đối mặt không ít khó khăn. Quy hoạch vùng nuôi còn chậm, chất lượng chưa cao dẫn đến chưa khai thác được tiềm năng và lợi thế sẵn có. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi và xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; hệ thống thủy lợi đầu tư thiếu đồng bộ do kinh phí còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả...
Tuy Cà Mau có vùng nuôi tôm lớn nhất nước nhưng việc sản xuất tôm giống chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu (đối với tôm sú), chất lượng cũng chưa ổn định. Bên cạnh đó, việc liên kết hợp tác sản xuất còn chậm, chưa bền vững do thiếu cơ chế phù hợp và phân chia lợi ích chưa hợp lý.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm tôm của Cà Mau còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, giá cả lại bấp bênh. Dịch vụ cung ứng, chất lượng, giá cả vật tư đầu vào không ổn định; môi trường ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý… cũng là những khó khăn khác của ngành tôm địa phương
Ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng dù địa phương được xem là "thủ phủ" tôm của cả nước nhưng nhiều năm gần đây sản lượng lại tăng chậm, kim ngạch xuất khẩu vẫn loay hoay ở ngưỡng hơn 1 tỉ USD/năm. Điều đó cho thấy ngành hàng chủ lực của tỉnh đang thiếu sự đột phá; việc hợp tác giữa doanh nghiệp với người nuôi tôm còn nhiều vướng mắc.
"Để kinh tế địa phương đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, cơ quan chức năng cần tạo sự đột phá cho ngành tôm vì đây là ngành hàng thế mạnh và chủ lực của tỉnh" - ông Phạm Thành Ngại nhấn mạnh.
Cà Mau được xem là “thủ phủ” tôm của cả nước với diện tích nuôi khoảng 280.000 ha
Hoàn thiện vùng nuôi, tổ chức chuỗi lên kết
Bên cạnh những thách thức, khó khăn, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) tỉnh Cà Mau nhìn nhận năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành tôm của tỉnh đứng trước không ít cơ hội phát triển.
Theo đó, quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được thực hiện, nhiều dự án mới tiếp tục được đầu tư; công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất sẽ tác động đến tăng trưởng và phát triển ngành hàng thế mạnh của địa phương. Song song đó, những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với nhiều nền kinh tế lớn là cơ hội để các địa phương, trong đó có Cà Mau, mở rộng thị trường xuất khẩu. Sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn vào ngành tôm sẽ giúp Cà Mau có thêm vốn để phát triển theo hướng quy mô và bền vững.
Để phát triển ngành tôm, Sở NN-MT tỉnh Cà Mau cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với các địa phương hoàn thiện quy hoạch vùng nuôi, theo hướng hình thành những khu vực tập trung, phù hợp điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái. Cà Mau sẽ tập trung chuyển đổi từ mô hình nuôi quảng canh, quảng canh kết hợp sang quảng canh cải tiến. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng tổ chức chuỗi liên kết, từ cung ứng vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm tôm.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Cà Mau, ngành nông nghiệp tỉnh không chỉ chú trọng thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết, lịch thời vụ mà còn về giá cả và tình hình biến động của thị trường để người dân chủ động trong sản xuất.
"Chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân tăng cường chuyển giao, ứng dụng những quy trình mới trong sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm, như Biofloc, nuôi ít thay nước, khép kín…, để đạt hiệu quả, thân thiện với môi trường" - ông Bằng thông tin.
Ngoài những giải pháp nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau còn gợi ý thành lập các hội quán về thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng, với sự tham gia của các thành phần liên quan để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Theo ông Phạm Thành Ngại, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đồng hành với người nuôi trong việc phát triển ngành tôm.
Kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau mỗi năm đạt hơn 1 tỉ USD
Hợp tác cùng có lợi
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, cho hay sẽ lựa chọn những hộ nuôi tôm có nguyện vọng để đề nghị tham gia chuỗi liên kết. Tập đoàn cam kết chuỗi liên kết sẽ nuôi tôm theo đúng công nghệ sinh học MPBiO.
Để nuôi tôm sú 2 giai đoạn quảng canh và quảng canh cải tiến, Minh Phú sẽ lựa chọn nhiều hộ liên kết với nhau thành hợp tác xã. Sau đó, tập đoàn sẽ đào tạo thành viên hợp tác xã nuôi tôm theo hướng ghi chép nhật ký ao nuôi điện tử bằng điện thoại thông minh, gắn kết với cơ sở dữ liệu của tất cả các khâu trong chuỗi liên kết để làm cơ sở thiết lập, vận hành hệ thống giám sát và truy xuất.
"Với tinh thần hợp tác cùng có lợi, ngoài những ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi, Minh Phú còn cam kết mua hết tôm của các hợp tác xã liên kết cùng tập đoàn với giá cao hơn 5% so với bảng giá thu mua hằng ngày của doanh nghiệp" - ông Quang khẳng định.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!