xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngày dân tộc tụ về đường số Một

Thanh Thảo (nhà thơ)

Đất nước có những ngày không thể nào quên. Một trong những ngày không thể quên là ngày 30-4-1975

Tôi chưa về Sài Gòn đúng ngày lịch sử ấy. Đầu tháng 5-1975, tôi mới có mặt trong cái "vùng sáng Sài Gòn" mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết, sau này là tôi mơ ước.

Nhưng khi đã ở giữa Sài Gòn, tự nhiên tôi lại nhớ về Trường Sơn, nhớ về đồng Tháp Mười, nhớ về chiến trường Nam lộ Bốn - Cai Lậy, nhớ về những tháng năm tôi đã cùng anh em, cùng đồng đội trải qua:

"ngày dân tộc tụ về đường số Một

lòng không nguôi thương những cánh rừng này

nơi hàng vạn đứa con nằm lưng đèo cuối dốc

dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây"

(trích trường ca "Những người đi tới biển" - Thanh Thảo)

Với những người đã đi qua chiến tranh, thì ký ức luôn trở lại. Tôi là nhà báo chuyên viết về binh vận, tập trung vào chủ đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, nên không thể nào quên câu nói lịch sử của Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn, ngày mới hòa bình, thống nhất.

Câu ấy ông Trà nói với đại tướng Dương Văn Minh, cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, vào ngày 2-5-1975, nguyên văn như sau: "Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ".

tr7 - Biểu diễn lân sư rồng ở TP HCM - ảnh Hoàng Triều.JPG

Biểu diễn lân sư rồng ở TP HCM Ảnh: Hoàng Triều

50 năm đã qua nhưng câu nói lịch sử ấy ngày càng chói sáng, vì nó tiêu biểu cho lòng nhân ái Việt Nam, cho tình nghĩa đồng bào của người Việt. Chỉ có kẻ xâm lược mới mưu toan chia rẽ dân tộc Việt Nam, còn người Việt, dù ở phía bên này hay phía bên kia, đều là người Việt cả.

Trên tinh thần thương yêu đồng bào mình, vào ngày mới hòa bình ấy, tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh, có chú em học Đại học Vạn Hạnh dẫn dắt, đã đi bộ khắp Sài Gòn, luôn mang theo chiếc cassette có băng nhạc Trịnh Công Sơn "ca khúc da vàng" và mở những bài hát như "Ta đã thấy gì đêm nay" và "Nối vòng tay lớn". Trong những ngày đó, âm nhạc Trịnh Công Sơn khiến chúng tôi vui hơn rất nhiều, dù những ca khúc của ông ẩn chứa những nỗi buồn vì dân tộc mình phải gánh chịu bao nhiêu đau khổ.

Lang thang khắp Sài Gòn, chúng tôi đã tới nhiều phố nhỏ ở Chợ Lớn và đã thấy bên cạnh cảnh sống khá giả, còn biết bao gia đình lao động nghèo, những người phải từ các vùng quê chạy loạn lên Sài Gòn. Họ ở trong những hẻm nhỏ, cất lên những "ngôi nhà" bằng bìa các-tông, mọi sinh hoạt của gia đình đều dồn chứa bên trong những "ngôi nhà các-tông" ấy.

Quả thật, dù ở rừng cực khổ nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ có những người lao động phải khốn cùng tới mức ấy. Đó là điều khiến những người lính trẻ chúng tôi phải xót xa.

Tháng 5-1975, Sài Gòn cứ tưng bừng lên với những cuộc diễu hành của sinh viên - học sinh, những đám múa lân, cứ như cả thành phố xuống đường mừng hòa bình, thống nhất.

Tôi mải miết tham gia hết cuộc này tới cuộc khác, tới bữa thì bà con Sài Gòn mời ăn uống, gặp ai cũng như gặp bà con mình, không hề có cảm giác xa lạ. Khi tôi với nhà thơ Ngô Thế Oanh mặc quân phục đi chọn mua sách bán vỉa hè đường Lê Lợi, có một nhóm anh em trí thức ngồi uống cà phê quan sát chúng tôi với vẻ ngạc nhiên.

Họ không biết hai anh lính giải phóng này mua sách gì, nên họ ra giúp chúng tôi vừa gói sách vừa tranh thủ đọc tựa đề những cuốn chúng tôi mua. Họ càng ngạc nhiên hơn, vì chúng tôi toàn mua sách kinh điển, sách dịch. Họ mời chúng tôi uống cà phê và đàm đạo. Biết chúng tôi từng học đại học ở Hà Nội, họ rất thích thú. Chuyện trò thân mật, vui vẻ. Các anh ấy mời chúng tôi tới nhà chơi, uống bia mừng hội ngộ. Chúng tôi vui vẻ nhận lời.

Tháng 5-1975 ấy, thật không thể nào quên! Gặp những người lao động nghèo ở Sài Gòn, như anh đạp xích lô, anh chạy xe lam, họ đều vui mừng mời chúng tôi, có gì uống nấy, có gì vui nấy, chuyện trò đầy tình thương mến thương, cứ như chúng tôi là bà con ruột rà của họ. "Miền Nam nhận họ" là như vậy.

Tôi nhớ mãi một lần tới chơi nhà bà chị ruột một người bạn thân từ chiến khu R, nhà ở rạch Thị Nghè, ngôi nhà - gọi vậy cho oai - chứ cực kỳ sơ sài. Ở đó tôi được gặp một cháu bé mới hơn 2 tuổi, con bà chị. Cháu líu ríu chào tôi, khi tôi hỏi tên cháu, mẹ cháu nói tên cháu là Hòa Bình. Tôi quá xúc động, đúng là Hòa Bình thiệt rồi:

"Cậu ôm cháu cậu hôn tha thiết

Từ hôm nay con vĩnh viễn Hòa Bình

Vĩnh viễn là tên con

Trên đất này những hố bom và chiến hào đang khép lại" ("Ghi trên đường số Một" - thơ Thanh Thảo)

Chắc không có dân tộc nào yêu hòa bình hơn dân tộc Việt Nam. Nói như thế không có gì quá đáng. Cứ nhớ lại, dân tộc ta, nhân dân ta đã hy sinh, đã chịu bao mất mát, thương đau suốt mấy chục năm trời, phải chịu cảnh cắt chia 21 năm ròng, mới thấy hòa bình, thống nhất phải trả bằng cái giá đắt đến thế nào.

Tôi có may mắn là cuối tháng 5-1975 được đi cùng đoàn các nhà văn miền Trung, rong ruổi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, rồi xuống đường số Một đi suốt miền Trung, ra tới Huế, rồi đến tận Hà Nội luôn. Đó là chuyến đi tôi mơ ước từ ngày bước chân lên Trường Sơn, tôi đã nguyện với mình là vào chiến trường Nam Bộ bằng đường Trường Sơn và trở ra Hà Nội bằng đường số Một.

5 năm ở chiến trường Nam Bộ đã giúp tôi trưởng thành, và tôi cảm thấy đó là những năm tháng tuổi thanh xuân đẹp nhất đời mình.

Những người bạn từ Sài Gòn lên, từ Hà Nội vào chiến trường và chúng tôi gặp nhau ở chiến khu R, may mắn qua được cuộc chiến ác liệt, đều có cùng cảm giác như vậy với tôi.

"Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

(Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc)

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em?"

(trích trường ca "Những người đi tới biển")

Năm mươi năm đã qua, thế hệ chúng tôi đã đi từ rừng xuống biển, dù nay tuổi đã già nhưng tình yêu nhân dân và đất nước mình thì vẫn còn trẻ mãi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo