Hiện nay dù bị bệnh mất trí nhớ nhưng những lúc bạn bè đồng nghiệp đến thăm, gợi lại kỷ niệm đời nghệ sĩ, bà nhớ ngay những ký ức đẹp trong đời, mà bà thường ví von: "Đời nghệ sĩ gạo chợ nước sông, ăn đình ngủ quán, cực vậy chứ vui lắm".
Rồi bà miên man kể về đôi gánh nước. Hồi nhỏ bà nổi tiếng là cô bé Nga đen gánh nước mướn ở cầu Dừa quận 4. Nhà nghèo quá, má bà bệnh hoài nên bà phải nghỉ học sớm để phụ giúp má. Mỗi ngày, bà có nhiệm vụ gánh nước đầy các lu nước cho 10 gia đình, bà được nhận tiền công 20 đồng. Đôi đòn gánh đã là "người bạn" tuổi thơ của bà.
Thú vui của bà là dành tiền ăn sáng để mua những quyển sách in bài ca vọng cổ. Thấy bà thích ca vọng cổ, nghệ nhân Tám Đen nhận bà làm con nuôi.
"Ông là tay đàn kìm nổi tiếng trong giới tài tử. Tôi học ca nhưng lí lắc lắm, mỗi lần ca trật nhịp là bị thầy xáng cây đàn lên đầu. Vừa đau vừa mắc cười. Vì thầy ra tay rất nhẹ. Má tôi hồi đó hay mắng: "Mày đen thủi, ốm o như vầy mà đi hát ai coi? Thôi an phận làm "cô đào" gánh nước nuôi má đi con". Tôi cười thầm trong bụng: "Rồi má sẽ rút lại lời nói đó!"- bà lại cười rồi kể.
Khi ca cứng nhịp, thầy bà đi hát ở quán giải trí Lệ Liễu. Ở đây, bà được nhiều khán giả yêu thích vì giọng ca chất chứa nỗi buồn. Chính vì vậy, năm 17 tuổi, bà đã được soạn giả Hoa Phượng giao đóng vai cô giáo Lan trong vở "Tuyệt tình ca".
Bà lại nhớ đến vai bà Năm bán chè trong vở "Bến phà kỷ niệm" đã từng được bạn đọc báo Người Lao Động bình chọn giải Mai Vàng năm 1998.
Bà tâm sự bà sợ nhất sự dối trá. Tuổi thơ tuy ít học nhưng trường đời cho bà quá nhiều bài học lớn. Và bà khẳng định chẳng có kinh nghiệm nào giống nhau để mình tránh, chỉ có lòng chân thành mới giúp mình lớn thêm hơn.
"Soạn giả Hoa Phượng hồi xưa có nói: "Nghiệp hát không theo ý mình, ví như nhánh lục bình trôi trên sông lúc nước ròng, nước cạn. May mắn thì ra biển lớn, xui xẻo thì bám rị ở bến cầu heo hút nào đó" – tự dưng bà ngừng lại rồi khóc.
Bình luận (0)