NSƯT Bảo Quốc là người nghệ sĩ nhiều năm liền tham gia diễn vở táo quân của HTV. Ông cho biết có nhiều tích xưa diễn giải về hình tượng ông táo, bà táo. Có nhiều vở cải lương lý giải theo dân gian Táo Quân gồm "2 ông 1 bà" - Thần Đất, Thần Nhà, Thần Bếp.
Thuở xa xưa có một người vợ tên là Thị Nhi, và người chồng là Trọng Cao sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên vào một ngày nọ, họ cãi nhau dẫn đến người vợ bỏ đi. Thị Nhi lưu lạc đến một ngôi làng, gặp được Phạm Lang, rồi phải lòng nhau, và kết thành vợ chồng.
Trọng Cao sau này vì hối hận đi tìm vợ. Đến ngày 23 tháng Chạp, trong lúc đang xin ăn vì quá nghèo khổ, Trọng Cao tình cờ gặp lại vợ cũ đang đốt giấy tiền vàng bạc trước nhà.
Thấy tình cảnh của chồng cũ quá đổi thương tâm, cô đã đem gạo cho. Phạm Lang bắt gặp và sinh nghi, vì quá buồn, hổ thẹn cô bèn nhảy vào đống lửa tự vẫn. Trọng Cao thấy vậy bèn lao theo, Phạm Lang cũng vì thương vợ mà nhảy vào chết cùng.
Ngọc Hoàng trông thấy xót thương cho mối tình của 3 người bèn phong cho cả 3 thành Táo Quân giúp Ngọc Hoàng trông coi việc bếp núc, đất đai, chợ búa của nhân gian và lên trời bẩm báo Ngọc Hoàng từ 23 tháng Chạp hàng năm.
Nghệ sĩ Mỹ Chi có diễn một vai trong vở "Táo quân kỳ tích", bà nói, trong dân gian, người ta vẫn thường truyền nhau câu chuyện "Cá chép vượt vũ môn để hóa rồng".
Đó là trong số những loài vật tham gia cuộc thi loài nào sẽ hóa rồng để bay lên trời, thì cá chép đã chiến thắng bằng sự quyết tâm và không nản lòng. Dù sóng có mạnh, gió có dữ dội đến thế nào đi nữa, cá chép vẫn nỗ lực, kiên trì vượt qua và đi thẳng đến cửa vũ môn.
"Trong tiềm thức dân gian của người Việt xưa, cá chép có thể hóa rồng và bay lên được. Vì vậy, các soạn giả sân khấu đã Việt hóa phong tục cúng táo quân và chọn cá chép làm phương tiện để ông táo bay về trời.
Nghệ sĩ đóng vai Táo quân cũng là có duyên để nhận lộc đầu năm, do vậy HTV thời đó dựng vở táo, đạo diễn Thế Ngữ đều muốn giới thiệu các nghệ sĩ được đóng vai táo, để có cái duyên đầu năm" - nghệ sĩ Mỹ Chi kể.
Trả lời câu hỏi, năm Rồng, liệu nghệ sĩ đóng vai Táo có mơ được cưỡi Rồng về chầu Ngọc Hoàng? Nghệ sĩ hài Tấn Beo cho rằng:
"Rồng trong văn hóa Việt rất đa dạng, phong phú. Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, hình tượng rồng cũng thay đổi qua từng thời kỳ nhưng điều dễ thấy là rồng rất quen thuộc trong văn hóa Việt. Năm Rồng, nghệ sĩ có duyên đóng vai Táo hãy tự tin sáng tạo, đổi mới chính bản thân để được công chúng yêu mến nhiều hơn" - nghệ sĩ hài Tấn Beo nói.
Với các nghệ sĩ tham gia Táo quân 2024 của chương trình "Gặp nhau cuối năm", thì từ nhiều năm qua, nỗ lực của mỗi bản thân đều đã được đều bù xứng đáng. Năm nay, điểm lại danh sách các nghệ sĩ tham gia Táo quân được phong tặng danh hiệu NSND, thì sau NSND Tự Long, lần này NSND Quốc Khánh và NSND Xuân Bắc đã có tên trong đợt 10 xét tặng. Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lễ trao tặng danh hiệu sẽ được tổ chức tại tại Hà Nội.
NSND Xuân Bắc được phong tặng danh hiệu NSƯT vào đầu năm 2016. Hiện anh đang làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Bắt đầu sự nghiệp từ năm 1995, anh được khán giả yêu mến qua các vai diễn trong những bộ phim truyền hình như: "12A-4H", "Chuyện nhà Mộc", "Sóng ở đáy sông", "Con đường sáng", "Hai phía chân trời"... Đặc biệt là vai Núi trong bộ phim "Sóng ở đáy sông". Và nhắc đến "Gặp nhau cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm"... đặc biệt là vai Nam Tào trong "Táo Quân" thì khán giả nhớ ngay đến Xuân Bắc.
"Tôi luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thành các nhiệm vụ và tham gia các hoạt động đoàn thể, các phong trào hoạt động xã hội, phong trào thiện nguyện để lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng" - NSND Xuân Bắc chia sẻ.
NSND Quốc Khánh sinh năm 1962 tại Hà Nội, là gương mặt nổi bật trong dàn nghệ sĩ đình đám của Lớp diễn viên khóa I của Nhà hát Kịch Việt Nam (1978 -1982) cùng NSND Trung Anh, Trọng Trinh, Lan Hương "Bông", Việt Thắng... anh được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012.
Trong sự nghiệp nghệ thuật, anh gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam suốt hơn 40 năm. Hai vở "Người đá lạc đội hình" của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, "Cuộc chia tay tháng 6" do NSND Trọng Khôi đạo diễn đã tạo cơ hội để anh tỏa sáng.
Riêng lĩnh vực truyền hình - điện ảnh, vào năm 2006, Quốc Khánh giành Giải thưởng "Cánh diều vàng" cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhờ vai Gù trong phim điện ảnh "Áo lụa Hà Đông".
Và những thành quả đạt được đó, đã cho anh cơ hội "cưỡi rồng" trong năm mới, hướng tới những thành quả đỉnh cao trong sự nghiệp nghệ thuật.
Ngoài ra, nghệ sĩ hài đất Bắc đã từng tạo ấn tượng đẹp qua các vở "Táo quân" của VTV 3 hàng năm phải kể đến: NSƯT Chí Trung, nghệ sĩ Vân Dung, nghệ sĩ Quang Thắng... Họ đều là những nghệ sĩ luôn hướng đến những sáng tạo mới, vượt qua những thành quả cũ để hướng đến tác phẩm mới xứng tầm với tình cảm mà công chúng ban tặng.
Với các nghệ sĩ hài đã từng tham gia đóng vai Táo quân, việc "cưỡi rồng" là một niềm khát vọng vươn xa trong nghệ thuật. NSND Ngọc Giàu nhận định: "Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ hài phải bám sát cuộc sống để sáng tạo tiếng cười. Nghệ sĩ hài đã từng đóng vai Táo quân, trong những kịch bản mang tính châm biếm phải dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống. Để cười vào những thói hư, tật xấu, tiếng cười có trách nhiệm xây dựng" - NSND Ngọc Giàu nhấn mạnh.
Hội Sân khấu TP HCM đã có kế hoạch trong năm 2024 kết hợp với HTV và VOH, đưa những vở diễn hài đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, phục vụ khán giả, đồng thời phản ánh những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, để tiếng cười tích cực và có trách nhiệm với xã hội.
Nghệ sĩ hài không thể chỉ chọc cười đơn thuần mà còn đưa vào tác phẩm, vai diễn sứ mệnh cao quí, góp phần xây dựng đời sống văn học, nghệ thuật, làm lay động lòng người và cần thiết cho công chúng, cho xã hội.
Đó chính là khát vọng "cưỡi rồng" trong sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ hài đã từng tham gia diễn vở "Táo quân".
Bình luận (0)