Những ngày qua, khi vở "Tiếng chim vườn ngọc" của tác giả, đạo diễn Minh Nguyệt ra mắt tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, khán giả đã dành nhiều lời khen tặng nghệ sĩ Trung Dân khi anh thế vai của cố NSND Diệp Lang.
"Tôi mừng và xúc động trước những lời khen của khán giả sau hai suất diễn vừa qua. Ê kíp thật sự vui và bản thân tôi đã có những tìm tòi, dựa theo nền tảng mà chú Diệp Lang đã khai thác, để làm mới, đúng với mục đích ý nghĩa mà tác giả, đạo diễn mong muốn" - nghệ sĩ Trung Dân cho biết.
Ông được rũ rê trở lại sàn diễn khi những hợp đồng quay phim có phần thảnh thơi. Ông nhận lời và nói với đạo diễn Minh Nguyệt, mong muốn bà dựng lại vở diễn này sau 25 năm gián đoạn. Năm 1999 ông có xem vở và mê vai diễn của NSND Diệp Lang. Một đề tài về đồng tính nhưng rất sâu sắc, ý nghĩa.
Nay được dựng mới, phả được không khí đương đại vào kịch, mang lại nhiều đất diễn cho các diễn viên trẻ. "Tôi cho rằng các bạn đã rất nỗ lực và sẽ làm tốt hơn qua những suất diễn tới đây của tác phẩm khi có sự cổ vũ của khán giả" - nghệ sĩ Trung Dân nói.
Năm 1999, vở "Tiếng chim vườn ngọc lan" như một bứt phá đầu tiên trong làng kịch về đề tài người đồng tính. Nay, vở được đổi tên "Tiếng chim vườn ngọc", được chuyển hóa với bối cảnh Việt Nam những năm 1945-1950. Do đó các nhân vật đều được đổi tên. Vai người cha của anh thợ bạc Trần Hùng do nghệ sĩ Trung Dân diễn đã thu hút khán giả, mang lại tiếng cười duyên dáng đồng thời những giọt nước mắt vì xót thương hoàn cảnh của gia đình ông.
Người xem thích cái kết khi ông lão tìm cách trả thù và đối diện với ngài thị trưởng độc ác, đó là một cái kết nói lên luật nhân quả của kẻ gieo nghiệp. Bản lĩnh của nghệ sĩ Trung Dân là luôn làm chủ tuyến kịch, nâng đỡ các diễn viên trẻ để họ hoàn thành tốt cảm xúc của nhân vật như: Quách Ngọc Tuyên (Trần Hùng), Lê Chi Na (Suối Ngọc), Võ Minh Lâm (Hoàng Vũ).
Tuy trong vở vẫn còn một số va vấp, mạch tâm lý chưa vững, nhưng sự yểm trợ của nghệ sĩ Trung Dân trong vở này đã là một bằng chứng cho việc nỗ lực cùng đưa sản phẩm mới mang màu sắc chính kịch đến với khán giả.
Sau khi tốt nghiệp đạo diễn Trường Sân khấu - điện ảnh TP HCM năm 1985, năm 1986, đạo diễn Minh Nguyệt về công tác ở Nhà Văn hóa quận 5. Bà đã từng dựng vở "Tôi chờ ông đạo diễn" (tác giả Lê Hoàng) để thi tốt nghiệp và được Đoàn kịch Trẻ diễn năm 1989.
Sau một thời gian, khi đi xem vở "Đèn lồng đỏ cao cao" do đạo diễn NSƯT Hoa Hạ dàn dựng cho sân khấu IDECAF, bà đã có động lực sáng tác kịch bản "Tiếng chim vườn ngọc lan".
Vở đã ra mắt vào năm 1999 với dàn diễn viên tài năng đẳng cấp như: Thành Lộc, Hồng Vân, Quốc Thảo, Diệp Lang, Việt Anh, Kim Xuân... Và hiện nay với phiên bản mới, có sự tham gia của nghệ sĩ Trung Dân, bên cạnh đó có Hồ Hồng Thắm và Công Danh, vở diễn đã tạo sức hút với khán giả, hứa hẹn sẽ còn lôi kéo nhiều trái tim yêu chính kịch đến với sân khấu nhỏ 5B.
Điều mà giới chuyên môn kỳ vọng là sau vở diễn này, nghệ sĩ Trung Dân sẽ gắn bó với sàn diễn, ông sẽ cho ra đời nhiều vở diễn do ông sáng tác kịch bản. Bởi, khán giả vẫn thích những câu chuyện kịch sâu sắc, ý nghĩa của nghệ sĩ Trung Dân đã từng tạo ấn tượng trên nhiều sân khấu như: "Tiếng vạc sành", "Bí mật chuyện làng Khủm", "Má ơi Út dìa", "Đê làng", "Thằng khờ"… và chùm hài kịch "Trên vườn dưới ruộng".
Bình luận (0)