Chiều 8-8, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng 7 tháng đầu năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm.
Tại buổi họp báo, các phóng viên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề dư luận quan tâm như tình hình sạt trượt ở nhiều công trình, quản lý trật tự xây dựng, vướng mắc trong quy hoạch bô-xít, tai nạn giao thông.
Về vấn đề bô-xít, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương về những vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy hoạch bô-xít.
Theo ông Mười, có 6 huyện, thành phố trải dài trên cả tỉnh dính quy hoạch khoáng sản là bô-xít. Đụng đâu cũng dính bô-xít, không làm gì được. Hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư công đều vướng nên giải ngân đầu tư công hết sức khó khăn.
Cũng theo ông Mười, nếu mà khai thác bô-xít theo tiến độ hiện nay thì 400 năm sau mới khai thác hết. Còn nếu tới đây có thêm 5 nhà máy nữa (hiện đã nộp hồ sơ) thì cũng phải gần 200 năm mới khai thác hết bô-xít của Đắk Nông.
"Sau khi đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào làm việc thì đã có những diễn biến tích cực. Dự kiến tháng 10 này, Quốc hội sẽ sửa Luật Khoáng sản và tỉnh hy vọng sẽ được lồng ghép đặc thù của Đắk Nông. Từ đó, tỉnh mới có dư địa sản xuất, giúp Đắk Nông phát triển kinh tế, xã hội" - ông Mười thông tin.
Còn theo ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, trong Luật Khoáng sản hiện nay, bô-xít cũng như kim cương, vàng nên phải đối xử như nhau. Hiện các cơ quan trung ương cũng đã thấy được vấn đề này và có sự quan tâm tháo gỡ.
"Cái gọi là tiềm năng, là thế mạnh thì đang gây khó khăn cho sự phát triển của tỉnh. Nghe thì bất hợp lý nhưng thực tế đang như thế" – ông Chiến nói.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, hiện nay quy hoạch bô-xít của tỉnh Đắk Nông chiếm 1/3 diện tích của tỉnh. Toàn tỉnh đang có hơn 1.000 công trình, dự án đầu tư công không thể triển khai thực hiện do vướng quy hoạch bô-xít.
Bình luận (0)