Đến ngày 16-9, dù đã hết thời hạn nộp tiền đấu giá theo quy định song mới chỉ có 13 lô trong phiên đấu giá 68 lô đất tại khu Ngõ Ba, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Trong khi đó, 55 lô đất còn lại, gồm toàn bộ lô có giá trúng từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/m2, đều không nộp tiền.
Như vậy, 55 lô đất không nộp tiền được cho là đã bỏ cọc.Theo quy định, hết 120 ngày sau phiên đấu giá mới hủy kết quả nên huyện Thanh Oai vẫn chưa có phương án và thời hạn đấu giá lại đối với những lô đất đã bỏ cọc.
Trước đó, ngày 10-8, huyện Thanh Oai tổ chức phiên đấu giá 68 lô đất tại khu Ngõ Ba, mỗi lô có diện tích 60-85 m2 với giá khởi điểm từ 8,6 triệu đến 12,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá thu hút sự quan tâm của nhiều người khi có tới 4.600 hồ sơ nộp tham gia và 4.201 hồ sơ đủ điều kiện.
Phiên đấu giá này dù được xem là thành công khi đấu giá được toàn bộ 68 lô đất song đã gây xôn xao dư luận khi giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Thậm chí, một số lô đất trúng đấu giá với mức 100 triệu đồng/m2 - gấp nhiều lần so với giá đất trong khu vực.
Ngay sau phiên đấu giá có những dấu hiệu bất thường này, dư luận cho rằng sẽ có nhiều trường hợp trúng đấu giá bỏ cọc. Bởi lẽ, mục đích của một số người là nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá, "thổi" giá đất tại đây cũng như các vùng ven khác của Hà Nội để đầu cơ, trục lợi. Vì thế, không mấy ai ngạc nhiên khi những người trúng đấu giá 55 lô đất ngày 10-8 đã bỏ cọc.
Chuyện đấu giá cao rồi bỏ cọc không phải là mới song đến nay chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do các quy định hiện hành chưa chặt chẽ, chế tài chưa đủ mạnh.
Sắp tới, huyện Thanh Oai có kế hoạch đưa ra đấu giá thêm 58 lô đất tại xã Đỗ Động vào ngày 5-10. Một phiên đấu giá bất thường nữa rất có thể sẽ lặp lại. Bởi lẽ, phải đến ngày 1-1-2025, một số quy định, chế tài xử lý mạnh tay hành vi vi phạm liên quan mới có hiệu lực. Theo đó, có thể khởi tố hình sự hành vi thông đồng, móc nối làm sai lệch kết quả đấu giá; người đấu giá dự án đầu tư mà bỏ cọc bị cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm…
Thế nên, từ nay đến thời điểm 1-1-2025, khi các quy định siết chặt chưa có hiệu lực, cần phải có những biện pháp cảnh báo, ngăn chặn tình trạng "thổi giá", đầu cơ đẩy giá đất qua các phiên đấu giá. Trước hết, cần nâng mức giá khởi điểm lên sát với giá thị trường, không thể quá thấp như các phiên đấu giá vừa qua. Cùng với đó, nâng mức đặt cọc lên cao hơn, có thể chiếm 10%-20% giá trị lô đất, để giảm thiểu nhà đầu tư tham gia đầu cơ, "thổi giá". Cá nhân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc thì có thể "chấm điểm" tín nhiệm thấp hoặc không cho tham gia các phiên khác.
Bình luận (0)